THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:28

Mái ấm tình thương trên quê lúa

Được khởi công từ 5/2013, đến nay Làng trẻ em SOS Thái Bình cơ bản đã hoàn thành. Làng được xây dựng với 14 gia đình, có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên từ 120 đến 140 trẻ, một trường mẫu giáo 6 lớp nuôi dạy cho 200 học sinh hoàn cảnh khó khăn

Từ những công trình chan chứa nghĩa tình...

Trên chuyến xe từ Hà Nội về Thái Bình, tôi may mắn được ngồi trò chuyện với ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam. Ông Dũng bảo: “Mỗi khi lựa chọn, khảo sát xây dựng làng trẻ em SOS, tôi không thể ngồi yên một chỗ để chỉ việc, mà mỗi lần như thế tôi phải đích thân xuống tận nơi, xuống nhiều lần để cầm tay chỉ việc.

Làng trẻ em SOS Thái Bình là công trình thứ 16 khánh thành tại Việt Nam. Khác với các làng trước, toàn bộ kinh phí do Làng trẻ em SOS Quốc tế vận động tài trợ. Làng trẻ em SOS Thái Bình là làng đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam tài trợ, đó là Tổng công ty cổ phần Khoan dầu khí và Dịch vụ khoan dầu khí tài trợ (50% kinh phí xây dựng). 

Các đồng nghiệp gọi vị Giám đốc làng SOS Việt Nam với cái tên trìu mến “Bác trưởng làng SOS”. Và vị “trưởng làng” này chưa bao giờ biết mệt mỏi. Công trình nào chưa chính thức đi vào hoạt động là ông đi kiểm tra đôn đốc thực hiện. Khi mới bước chân đến Làng trẻ em SOS Thái Bình, chưa kịp uống nước, “Trưởng làng” đã vào công trường kiểm tra, đôn đốc.

Ông Dũng bảo: “Tổ chức Làng SOS Quốc tế và cấp trên đã tin tưởng giao phó vì vậy trong mọi vấn đề mình phải làm cho tốt. Đặc biệt, đây là công trình xã hội đặc biệt nên bản thân mỗi cán bộ nhân viên của làng phải làm việc có trách nhiệm”.

Mẹ gia đình số 14 Nguyễn Thị Phương Thảo đang hướng dẫn các con sinh hoạt tại gia đình.

Để giúp chúng tôi nắm rõ hơn, tại Làng trẻ em SOS Thái Bình, ông Dũng còn cung cấp nhiều thông tin về hoạt động của Làng trẻ em SOS. Được biết, Làng trẻ em SOS Quốc tế là một tổ chức phi Chính phủ, thành lập từ năm 1949 và đang có mặt tại 134 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mục đích của Làng trẻ em SOS là giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa được nuôi dưỡng trong mỗi trường dựa trên nền tảng gia đình với bốn nguyên tắc sư phạm gồm: Bà mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng.

Cũng theo ông Đỗ Tiến Dũng cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và hoạt động của Làng trẻ em SOS nói riêng”.

Đến mái ấm gia đình của những trẻ em bất hạnh

 Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Làng trẻ em SOS Thái Bình cho biết: “Ngày 22 /12/2013 có 14 ngôi nhà gia đình đã hoàn thiện và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị về đồ dùng trong nhà để đón đợt trẻ đầu tiên là 12 cháu vào sinh sống tại Làng trẻ em SOS Thái Bình.

Đến nay, sau quá trình xây dựng hoàn thiện các hạng mục, hiện làng đã và đang đưa vào nuôi dưỡng thường xuyên 120-140 trẻ em mồ côi, một trường mẫu giáo 6 lớp nuôi dạy cho 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình số 14, cô Nguyễn Thị Phương Thảo tâm sự: “Gia đình mình hiện có 5 con, con lớn nhất học lớp 7, bé nhất mới được vài tháng tuổi. Các con đều có hoàn cảnh rất éo le.

Trước khi vào, phần lớn đều suy dinh dưỡng nặng. Tâm lý rất hoang mang, sợ nơi đông người, không được học hành. Sau khi được giao nhận về gia đình số 14, hiện nay các con đều khỏe mạnh, chăm chỉ học tập. Ngoài giờ học trên lớp, các con đều được sinh hoạt cộng đồng, và phụ giúp mẹ công việc gia đình”.

Trong số những em chúng tôi gặp, em Trần Thị Phương Thúy, quê xã Vũ Đông, Kiến Xương (Thái Bình) hiện em ở nhà số 14. Thúy là một trong những em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bố Thúy mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, Thúy ở với ông bà bên nội, nhưng gia đình ông làm ruộng gia đình nghèo, quanh năm không đủ ăn do đó Thúy phải lỡ dở con đường tìm chữ và có hiện tượng bệnh trầm cảm.

Nhờ chính quyền sở tại và Làng trẻ em SOS Thái Bình, giúp đỡ, vừa qua Thúy về chung sống với gia đình số 14. Sau một thời gian gia đình đặc biệt này chăm sóc, Thúy đã khỏi bệnh đến lớp hòa nhập với bạn bè nhanh chóng.

 Tôi đã nhiều lần đến với làng trẻ em SOS, nhưng lần nào cũng như lần nào, đều để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt, một cảm giác đặc biệt. Ấn tượng và cảm giác về một môi trường tràn ngập tình thương, tràn ngập ân cảm với nhiều ứng xử vô cùng nhân hậu và nhân văn.

Hy vọng rằng, không gian này luôn luôn đầy ắp tình thương, là môi trường ấm cúng và nhất là nhiều hơn nữa những tấm lòng vàng để những mảnh đời vốn đã nhói đau sẽ không còn cảnh bất hạnh.

Từ năm 1987 đến nay, thông qua Bộ LĐ-TB&XH, Làng trẻ em SOS Quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam trên 100 triệu đô la Mỹ để xây dựng các dự án và chi phí cho hoạt động Làng trẻ em SOS.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có 16 tỉnh, thành phố trên mảnh đất hình chữ S được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế. Số lượng dự án tài trợ ở Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới (sau Ấn Độ và Brazil)...

Phạm Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh