CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:56

Tín dụng ưu đãi là nguồn lực giúp người nghèo vượt khó

 

Ông Trần Hữu Ý cho biết, nhiều tổ chức tài chính chọn bền vững cho mình trước và đặt lãi suất cao cho người nghèo với lý giải cần đảm bảo chi phí hoạt động trước mắt. Vì vậy đã xảy ra việc người nghèo chỉ có thể vay những món nhỏ, lãi suất cao và khó có cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, dẫn đến sau nhiều năm được tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô nhưng khách hàng vẫn chưa vượt được ngưỡng nghèo.

 

Người nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách để phát triển sinh kế.

 

"Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện định hướng nhằm vào sự bền vững của khách hàng trước. Khi khách hàng đạt được sự bền vững về tài chính thì ngân hàng sẽ đạt được sự bền vững dài hạn, dịch vụ của ngân hàng phải giúp khách hàng làm quen với kinh tế thị trường, có vay có trả, mạnh dạn vay vốn nâng cao năng lực sản xuất, học hỏi cách làm ăn hiệu quả cao hơn, tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường", ông Trần Hữu Ý nói.

Ông Prasun Kumar Das, Tổng Thư ký Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương nhận định, với gần 7 triệu người gửi tiết kiệm thường xuyên, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang là tổ chức có khả năng huy động tiết kiệm hiệu quả nhất trong số các đơn vị chủ chốt cung cấp dịch vụ tài chính vi mô với 70% thị phần. Điều này có được nhờ vào phương pháp tiếp cận khách hàng rất đặc thù của ngân hàng. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tạo ra một hệ thống cung cấp tín dụng và thu nợ hiệu quả, làm giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và bản thân ngân hàng đồng thời đạt được mức độ bao phủ ấn tượng đến tận cấp xã. Ngân hàng tiếp cận đến 6,7 triệu khách hàng, bao phủ gần 11.000 xã nhờ sự kết hợp giữa nhóm đối tượng khách hàng vay chính sách với việc cung cấp tín dụng tại chỗ.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Từ nguồn vốn ưu đãi, người nghèo phát triển các mô hình phát triển phù hợp.

 

Một điều quan trọng thông qua hoạt động tín dụng chính sách cũng đã góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần hoàn thành cơ bản Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam cũng nhận định, hoạt động tín dụng chính sách gắn chặt với đối tượng đông đảo, truyền thống nhất là hộ nông dân ở nông thôn. Nhờ có vốn kịp thời, được hướng dẫn cách làm ăn, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống còn dưới 10% năm 2017.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, từ kinh nghiệm của một tổ chức quốc tế trong hỗ trợ phát triển cho cộng đồng nghèo ở khu vực nông thôn tại các quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính, trong đó đặc biệt quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương (người nghèo nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo…) để hỗ trợ, giúp các đối tượng này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính nông thôn nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm; trong đó, giữ vững vai trò chủ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cùng với đó thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức tài chính vi mô và tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhằm đa dạng hóa các kênh phân phối, cung cấp dịch vụ tài chính nông nghiệp, nông thôn từ truyền thống đến hiện đại và phù hợp với các đối tượng (trong đó có người nghèo) trên địa bàn nông thôn.

“Ngân hàng Chính sách Xã hội với vai trò là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững, cần tăng cường hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới và giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và điều kiện đều tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ hiện đại”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Ông Hùng thông tin, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục xác định nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm hỗ vốn cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục cho vay, đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng phù hợp với đặc thù lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng khách hàng nông nghiệp, nông thôn.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh