CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:09

Kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân thoát nghèo

 

Bài 3:  “Xoay trục”: Đồng hành – kết nối giúp người dân thoát nghèo

 

Kết ni đối tác với người nghèo

Tiếp nối đồng hành từ năm 2016, được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và chỉ đạo từ Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), Đắk Nông là 1 trong 2 tỉnh được lựa chọn để hướng dẫn kĩ thuật cho kết nối đối tác hỗ trợ kết nối đối tác hỗ trợ các tổ, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện sáng kiến giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng của người nghèo.

 

Theo thông tin về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Đắk Nông chiếm 19,2%, trong khi đó, tỷ lệ điều tra cuối năm 2015 là 19,26%. Như vậy tỷ lệ giảm không đạt so với Nghị quyết đề ra. Mặt khác, dù đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng đến cuối năm 2016 vẫn còn 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, có 22 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%.

Trung tâm hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) với vai trò là đơn vị tư vấn của UNDP phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông, Hội nông dân tỉnh Đắk Nông và UBND huyện Đắk Glong đã tổ chức chuyến đi làm việc tại tỉnh Đắk Nông và thành phố Buôn Ma Thuột. Nhóm công tác đã tiếp xúc với 7 nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (2 nhóm trồng chè, 3 nhóm trồng cà phê, 2 nhóm chăn nuôi gà - trồng cà phê). Về thành phần nhóm, trung bình mỗi nhóm có từ 15-20 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong nhóm trung bình chiếm từ 20-30%. Các nhóm đã trình bày được các kết quả đã thực hiện góp phần giảm nghèo và tạo thu nhập cho thành viên của nhóm, trong đó có sáng kiến của nhóm trồng chè về lập được quỹ tổ/nhóm với giá trị 20 triệu đồng sử dụng cho vay các thành viên trong nhóm (đầu tư ống tưới, vay cho con đi học..), có những sáng kiến về việc phát triển mô hình chăn nuôi trồng trọt kết hợp (nuôi bò, nuôi giun quế từ chất thải bò, nuôi gà từ giun quế, ủ phân vi sinh từ phân bò để bón cho cây cà phê), đã góp phần giảm chi phí giá thành sản xuất vừa tạo liên kết giữa các thành viên trong nhóm.

Về nhu cầu tìm kiếm đối tác, phần lớn các tổ/nhóm trình bày có các nhu cầu cơ bản: Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết đầu tư trả chậm vật tư đầu vào (phân bón, cây con giống) và Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu ra ổn định; Hỗ trợ hướng dẫn kỹ năng quản lý nhân sự phân công nhân sự tổ/nhóm, quản lý tài chính nhóm, kỹ năng lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Nhóm làm việc đồng thời gặp gỡ các doanh nghiệp kết nối đối tác: Doanh nghiệp Công ty Trần Gia, công ty CP Ứng dụng công nghệ sinh học An Thái; công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Doanh nghiệp khởi nghiệp thành lập năm 2014) có bày tỏ quan tâm liên kết với các tổ/nhóm thanh niên dân tộc thiểu số trồng cà phê theo hướng bền vững, ký hợp đồng tiêu thụ cà phê chế biến ướt, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu xây dựng thương hiệu của cà phê Bazan Đắk Nông; Trung tâm Phát triển cộng đồng có trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk sẽ hợp tác đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các tổ/nhóm dân tộc thiểu số (có thành viên là hộ nghèo, cận nghèo).

Ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND Huyện Đắk Glong có cho biết: “Địa phương Đắk Nông đánh giá cao hỗ trợ kết nối và kĩ thuật từ UNDP. Đây là một cách làm mới mà địa phương sẵn sàng học hỏi, thực hiện tại huyện Đắk Glong và chia sẻ đến các địa phương khác".

Giám đốc doanh nghiệp khởi nghiệp, Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông Lê Hoàng chia sẻ, giai đoạn đầu công ty đã khó khăn trong tìm các nhóm nông dân cùng làm việc. Doanh nghiệp mong muốn liên kết với các tổ/nhóm thanh niên dân tộc thiểu số trồng cà phê theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu của cà phê Bazan Đắk Nông.

Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng ông Vũ Hòa, chuyên gia tư vấn cũng chính là một khách hàng chủ lực của câu lạc bộ thổ cẩm lanh Tả Phìn cho biết, gần 1 năm nay, nhóm đã đổi mới được nhiều mẫu mã sản phẩm thổ cẩm, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Người Nhật rất thích hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và nhóm lanh thổ cẩm của Thào Sung là một trong những nhóm hàng bản địa, người Nhật nói riêng và người nước ngoài rất thích. Hiện tại, tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm của Thào Thị Sung đang phát triển cả về sản lượng và nhân công. Điều Thào Sung đang vướng mắc là làm sao có thể mở rộng diện tích nhà xưởng trong khi vốn không có. Theo anh Vũ Hòa, để khắc phục tình trạng này, tổ hợp tác lanh, thổ cẩm Tả Phìn cần chuyên môn hóa trong sản xuất, biến mỗi gia đình thành xưởng sản xuất. Từ đó, mỗi người có thể chuyên sâu về một khâu như nối lanh, làm cúc, thêu hoa văn... lại có thể truyền nghề cho con cháu.

 

Phát huy nội lực của chính người nghèo

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng Hưng cho biết, tại Bắc Kạn, việc nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn lớn nhất là mô hình sản xuất của người dân còn manh mún nhỏ lẻ và tự phát, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do chưa có kết nối thị trường nên điệp khúc: Được mùa mất giá. “Kết nối đối tác hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số lập nghiệp, giảm nghèo là hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cấp cơ sở, huy động sự tham gia của người nghèo, đặc biệt các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy nội lực cộng đồng trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt là đổi mới cách thức hỗ trợ và truyền thông giảm nghèo hiệu quả hơn, gắn với nhu cầu của người nghèo và hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng nhấn mạnh.

Mô hình trồng cam có kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số là kết quả chúng ta nên kỳ vọng các chương trình chính sách của nhà nước cần mang lại cho cộng đồng, thông qua việc tăng cường nguồn vốn xã hội và năng lực nắm bắt các cơ hội phát triển kinh tế cho các tổ nhóm phụ nữ. Muốn làm được điều này, cách tiếp cận Kết nối – Đồng hành – Vượt khó là quá trình cần nhiều tâm sức và thời gian của các đối tác liên quan hơn chỉ là nguồn lực tài chính”.

Theo Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu tính bền vững. Hộ nghèo có thể thoát nghèo nhưng ngày mai có thể tái nghèo bởi có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể qua một trận thiên tai là người dân có thể tái nghèo ngay. Vì thế, quan trọng nhất là phát huy nội lực của chính người nghèo. Kinh nghiệm của Hàn Quốc xây dựng “nông thôn làng mới” cho thấy phải tạo lòng tự trọng để vươn lên thoát nghèo. Đây là bài học để thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tại sao không tin người dân, làm thay cộng đồng mà không để người dân tự làm? Ông Thi cho rằng, phải trao quyền cho cộng đồng mới phát huy được bản sắc văn hóa của cộng đồng. Mỗi dân tộc, địa bàn có những đặc điểm, thế mạnh khác nhau. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã có quyết định "xoay trục”. Đó là để cho người dân tự quyết làm gì? Làm như thế nào để thoát nghèo thay vì áp từ trên xuống như trước thì nay để người dân quyết định phương thức giảm nghèo, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giám sát người dân thực hiện.

Ông Thi cho rằng: “Người dân không ai muốn nghèo nhưng tại sao nghèo? Nhà nước cam kết bố trí đủ nguồn lực để thực hiện giảm nghèo, đặc biệt, hệ thống NHCSXH đảm bảo đủ nguồn vốn cho người dân vay phát triển kinh tế, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Vậy vấn đề người dân còn thiếu chính là thiếu kỹ năng. Hiện người dân vẫn có tư tưởng có gì bán nấy, trong nhà cái gì cũng có nhưng chẳng có gì để bán, làm ra để tiêu dùng tự cung tự cấp không sản xuất hàng hóa. Muốn thoát nghèo vươn lên làm giàu phải sản xuất hàng hóa, người dân không thể làm một mình mà phải có liên kết, có tập thể. Đây chính là nền tảng của HTX”.

Cũng theo thông tin từ ông Thi, qua hội thi sáng kiến giảm nghèo năm 2016 cho thấy, rất cần kết nối tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Năm 2016, có 60 tổ nhóm tham dự hội thi nhưng không nào tổ nhóm nào bảo thiếu tiền đầu tư phát triển sản xuất mà chỉ hỏi: Làm thế nào để hàng bán được ở Hà Nội và các thị trường lớn? Điều đó cho thấy, vấn đề khó khăn lớn nhất của người dân chính là kết nối để tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị.

Có thể nói, quá trình Kết nối - đồng hành tạo sân chơi hiệu quả nhằm phát hiện, nuôi dưỡng và hỗ trợ các tổ nhóm cộng đồng có sáng kiến giảm nghèo, vươn lên vượt khó và có khả năng huy động nguồn lực tại chỗ. Các sáng kiến giảm nghèo đều tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, có lợi cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường, giúp gia tăng, gắn kết nội lực cộng đồng.

Theo các chuyên gia, cách tiếp cận: Kết nối - đồng hành – vượt khó là quá trình cần nhiều tâm sức và thời gian của các đối tác liên quan hơn chỉ là nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra đối với các tổ hợp sản xuất là phải theo hướng sạch, bền vững, nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh