THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân thoát nghèo

 

Bài 2: Làm giàu từ thế mạnh của địa phương

Làm giàu từ gà đồi 

Hợp tác xã (HTX) nuôi gà đồi Hương Nhượng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình là một trong số các đội thi đã thành công sau cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”. Trước đây, các hộ ở xóm Bưng phát triển chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ nên thường xảy ra tình trạng bị các thương lái ép giá. Mặt khác, do không có kỹ thuật, đàn gà hay dịch bệnh dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Trước khó khăn đó, các hộ có cùng sở thích đã nhóm họp và thành lập nên "nhóm sở thích” gồm 12 hội viên nông dân. Các hộ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên chăn nuôi có bước phát triển hơn.

HTX nuôi gà đồi Hương Nhượng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

 

Tháng 8/2016, nhóm đã đăng ký "Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” tại Hà Nội được lọt vào vòng chung kết và đoạt giải ba. Việc đoạt giải giúp các hộ và phấn khởi để mở rộng phát triển chăn nuôi gà đồi nên nhóm đã đăng ký và xin thành lập HTX. Ngày 22/11/2016, HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng”được thành lập. Từ đó, thành viên HTX, các hộ được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi gà do tỉnh, huyện tổ chức. Các hộ nắm bắt được nhiều kiến thức trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng nhau phát triển sản xuất, giảm chi phí đầu vào.

 12 thành viên của HTX đã bắt tay vào triển khai các mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Với 7 hộ nuôi gà đồi khoảng 7.000 con, hộ nuôi nhiều 3.000 - 4.000 con/lứa, hộ nuôi ít từ 200 - 500 con/lứa. Còn lại những thành viên khác phát triển nuôi trâu, trồng rau an toàn.

 Chị Quách Thị Hòa - Giám đốc HTX gà đồi Hương Nhượng cho biết: “HTX ra đời đã tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các hộ mà còn giải quyết được các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm. Từ khi tham gia HTX, các hội viên không những có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi mà còn mua được con giống tốt, thức ăn chăn nuôi với giá thành thấp do không phải thông qua trung gian vì có những đơn vị sẵn sàng cung ứng thức ăn cho HTX và chấp nhận thanh toán khi các hội viên bán sản phẩm”.

HTX chủ yếu nuôi giống gà bản địa, gà pha mía Sơn Tây và được chăn thả vườn đồi nên gà rất khỏe mạnh, thịt thơm, săn chắc, giá thành cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn so với gà nuôi nhốt. Vào khoảng đầu tháng 4/2017, gia đình chị Quách Thị Hòa đã xuất bán 1.700 con gà thịt với giá 100.000 đồng/kg thu 94 triệu đồng tiền lãi. Gia đình chị Bùi Thị Nhửn nuôi trung bình 700 con/lứa, mỗi lứa thu từ 30 - 35 triệu đồng…

Sau hội thi, HTX đã được tư vấn định hướng phát triển trong tương lai. Việc kết nối thị trường tiêu thụ tới thị trường lớn như Hà Nội, hệ thống siêu thị… là rất cần thiết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh việc mở rộng đàn chăn nuôi thì việc giữ chất lượng, thương hiệu gà đồi bản địa là điều cốt lõi. Đến nay, các thành viên trong HTX đã có thể tự tin làm giàu bằng mô hình chăn nuôi của mình.

Hành trình vượt khó của những phụ nữ bản Diềm

Nghề đan lát ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An từng đứng trước nguy cơ mai một. Với sự nỗ lực của người dân và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là từ sau khi tham gia hội thi Sáng kiến giảm nghèo, nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia kết nối thị trường đã giúp nghề mây tre đan truyền thống ở bản Diềm đã hồi sinh, người dân có thêm thu nhập từ chính nghề truyền thống quê hương, góp phần giữ gìn văn hóa bản địa.

Khôi phục nghề đan truyền thống giúp phụ nữ bản Diềm thoát nghèo.

 

Chồng mất sớm, chị Vi Thị Thanh, ở bản Diềm một mình nuôi hai con bị tật nguyền. Cuộc sống của phụ nữ một mình nuôi con chồng chất khó khăn, thậm chí cuộc sống nhiều lúc rơi vào cảnh túng bấn. Nhờ có nghề đan nên sau những buổi làm nương rẫy, chị tranh thủ thời gian đan thêm ít mặt hàng bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên nghề đan của người dân ở bản Diềm trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên nhiều gia đình đã phải chuyển sang nghề khác, thời điểm sản phẩm tiêu thụ được thì thiếu nguyên liệu sản xuất do rừng đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình quản lý nên sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập không ổn định…Trước thực trạng đó, để bảo tồn và đưa làng nghề đan lát ở bản Diềm phát triển theo hướng bền vững nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, huyện Con Cuông đã xây dựng đề án riêng cho làng nghề đan ở bản Diềm. Thành lập các Tổ hợp tác liên kết bao tiêu sản phẩm, bảo tồn, phát triển gắn với du lịch cộng đồng của huyện.

Chị Lang Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ mây tre đan bản Diềm chia sẻ, bản Diềm là nơi sinh sống của hơn 153 hộ đồng bào Thái và đồng bào Thổ. Nhóm mây tre đan bản Diềm được thành lập từ tháng 6/2014, ban đầu chỉ có 17 thành viên, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hằng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi… nay đã lớn mạnh lên thu hút gần 30 thành viên tham gia.

Được biết, ban đầu sản phẩm của bản làm ra tiêu thụ rất khó khăn, sau này nhờ các dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm và sự tìm tòi học hỏi của các thành viên nên các Tổ đã tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, đưa các mẫu hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Thái vào nên sản phẩm mới bán được nhiều ở hội chợ, được nhiều người yêu thích, thu nhập tăng lên. Tổ chủ yếu là phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại các thành viên trong nhóm có việc làm thêm đều đặn và có thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Có được thành công đó là cả một quá trình vượt khó, sáng tạo của bà con nơi đây.

Khi tham gia nhóm, các thành viên tạo thêm thu nhập, họ còn còn hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày, tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn. Đặc biệt, nhóm đã thành lập ra quỹ Tương trợ. Hàng tháng, sau khi quyết toán tiền công của mỗi người trong nhóm, mỗi người sẽ đóng góp 20.000 đồng vào quỹ Tương trợ. Và quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giải quyết các công việc khó khăn trong gia đình. Nhóm ban đầu chỉ có mấy người sau thấy có thu nhập nên có nhiều hội viên gia nhập như bây giờ. Giờ sản phẩm bán nhiều nơi như Hà Nội, các hội chợ, quầy sản phẩm lưu niệm của vườn Quốc gia Pù Mát.

Năm 2016, tổ mây tre đan tham gia hội thi Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng. Sau hội thi, nhóm mây tre đan được các dự án VIE 028, dự án Oxfam Hong Kong, dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam hỗ trợ vốn hoạt động, tập huấn, tìm thị trường tiêu thụ.

Nhờ vậy, sản phẩm đan lát của người dân bản Diềm được xuất bán thị trường trong và ngoài nước như Đức, Pháp. Mỗi tháng nhóm nhận từ 5 đến 6 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm…vì thế đã tạo động lực cho những người làm nghề đan lát. Thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng lên, ban đầu chỉ từ 20.000 đồng/người/ngày, nay tăng lên tới 100.000 đồng/người/ngày.

Đi lên từ nghề truyền thống của cha ông, nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, tổ mây tre đan bản Diềm là điểm sáng trong việc khai thác tiềm năng hợp lý từ rừng và phát triển du lịch.

Khởi nghiệp bằng mặt hàng thổ cẩm

Chị Thào Thị Sung (SN 1982), người phụ nữ dân tộc Mông, đã từng bước làm nên giá trị cộng thêm cho sản phẩm lanh thổ cẩm truyền thống của người Mông ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai.

Bắt đầu từ giấc mơ để đồng bào mình không phải đi bán hàng rong, đeo bám khách du lịch và giúp người dân trong xã thoát nghèo từ nghề thổ cẩm truyền thống. Khi được Sa pa Ô Châu, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và kinh doanh sản phẩm thổ cẩm, đồng hành với tư cách là nhà tư vấn, hỗ trợ 1 chiếc máy khâu. Chị dùng toàn bộ số tiền 50 triệu đồng chồng vừa thu hoạch vụ lan để làm một căn nhà nhỏ, trang bị khung cửi, dệt lanh, rồi vận động người dân địa phương thành lập Câu lạc bộ Thổ cẩm số 1 ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn. Đây là nơi quy tụ chị em trong bản có tay nghề thêu thùa, may vá, làm ra các sản phẩm thủ công, cũng là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm cho khách du lịch. Chị Sung còn quảng bá, bán hàng online trên facebook. Lợi nhuận thu về 15 - 25 triệu đồng/tháng. Lãi lời chia cho bà con thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/người. Nhờ bán hàng online, thị trường hàng lanh, thổ cẩm của câu lạc bộ do Thào Sung phụ trách mở rộng ra các TP lớn như Hà Nội, TP.TPHCM... Câu lạc bộ ban đầu chỉ có 17 người tham gia. Nay, đã có 60 người. Người già có, trẻ có. Ngoài việc hướng dẫn, tổ chức các chị em thêu thùa, làm lanh, Thào Sung còn liên kết với các trường học trong vùng, dạy miễn phí cho các em học sinh. Mục đích là để bọn trẻ không quên nghề cha ông truyền lại.

Sáng kiến trồng lanh, dệt vải, thêu thùa, may vá của Thào Sung không chỉ giúp chị em phụ nữ Mông phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tạo điều kiện gắn kết cộng đồng.

Các mô hình phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của địa phương, nhờ có sự tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan tổ chức đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất mình.

(còn nữa)

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh