Đắk Nông: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số đều giảm
- Dược liệu
- 01:48 - 06/09/2018
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,86%
Cũng theo số liệu từ UBND tỉnh Đắk Nông, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh là 15.211 hộ, chiếm tỷ lệ 34,58% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số, giảm 5,86% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016. Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Nông đặt ra chỉ tiêu phấn đấu hàng năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4% trở lên so với năm trước.
Các dự án giảm nghèo tạo điều kiện giúp người dân phát triển sinh kế
Theo đánh giá, việc đề ra mục tiêu giảm nghèo tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chính sách giảm nghèo áp dụng thực hiện đầu kỳ mang tính đơn chiều, chỉ thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo thiếu hụt về thu nhập, chưa có chính sách hỗ trợ cho các nhóm hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, do đó chỉ số hộ nghèo thuộc nhóm có khả năng thoát nghèo còn nhiều, tỷ lệ giảm nghèo đạt được 2,63%, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 2%.
Tuy nhiên càng về cuối giai đoạn tốc độ giảm nghèo chậm lại vì số hộ nghèo còn lại đa phần là những hộ thực sự khó khăn, không có khả năng lao động, nhiều hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Đây là nhóm hộ nghèo không có khả năng tạo sinh kế, do đó khó có khả năng thoát nghèo, chủ yếu dựa vào sự bảo trợ của nhà nước và cộng đồng.
Các chính sách, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2018 đã ban hành khá phù hợp, đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thực hiện cho các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các nhóm đối tượng dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội.
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu hàng năm giảm 2% trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Tách hộ người cao tuổi để thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, vẫn còn một số nội dung chưa thật phù hợp với thực tiễn địa phương cũng như đặc thù của tỉnh như: Bộ công cụ rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm có một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Ví như tiêu chí nhà ở, tiêu chí tài sản, chăn nuôi, đất đai… Một số chính sách còn mang tính ngắn hạn, chưa tập trung vào giải quyết nguyên nhân sâu xa của nghèo đói, mức hỗ trợ thấp như hỗ trợ tiền điện…
Tặng dê giống cho hộ nghèo tỉnh Đắk Nông
Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cán bộ các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có những kết quả riêng. Đối với dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trong năm 2016 và 2017 tổng số kinh phí được giao là 78,86 tỷ đồng, tổng số công trình và kinh phí phân theo hạng mục các công trình giao thông là 61 công trình, trường học là 35 công trình, nước sinh hoạt tập trung là 7 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng là 92 công trình. Năm 2018, nguồn vốn được giao là hơn 41 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là hơn 31 tỷ đồng.
Đối với dự án nâng cao năng lực cán bộ xã và cộng đồng dân cư các xã thuộc Chương trình 135, được trang bị, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia xây dựng kế hoạch, quản lý, giám sát thực hiện Chương trình 135 cũng như các chính sách dân tộc. Tỉnh Đắk Nông đã mở 48 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số hơn 2.000 học viên tham gia.
Về những tồn tại, khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông Huỳnh Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ, trong đó về chỉ thực hiện chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo thiếu hụt thu nhập như trước đây. Điều này gây khó khăn trong cuộc sống của những người nghèo thuộc diện thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (nghèo đa chiều) đặc biệt là về chính sách bảo hiểm y tế. Đến nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 31/5/2018, về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều, tuy nhiên các chính sách hiện hành khác có quy định hỗ trợ đối với hộ cận nghèo thì hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với hộ cận nghèothì vẫn chưa được quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.
Một số cơ sở có hiện tượng tách hộ người cao tuổi để thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với nhóm hộ này nếu có dùng các chính sách hỗ trợ tác dụng vào cũng khó giảm nghèo, giảm cận nghèo, gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, một số người dân vẫn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên không muốn thoát nghèo, thoát cận nghèo.