THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:48

Thừa Thiên Huế

Tìm nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo cho từng hộ nghèo

Trong năm qua, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về công tác giảm nghèo bền vững cho mọi tầng lớp Nhân dân được đẩy mạnh. Các chính sách về giảm nghèo được triển khai kịp thời, đúng quy định; nhiều ngành, địa phương đã có cách làm hay, phù hợp với từng nhóm đối tượng; một số mô hình giảm nghèo được triển khai hiệu quả… góp phần ổn định xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng chuối của người dân miền núi Thừa Thiên-Huế cho thu nhập cao.

Mô hình trồng chuối của người dân miền núi Thừa Thiên-Huế cho thu nhập cao.

Hiện, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn 11.735 hộ (36.708 khẩu); tỷ lệ 3,56% (giảm 4.271 hộ so với năm 2021), vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2022 là 1.957 hộ, tỷ lệ 0,57%. Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.029 ngôi nhà với kinh phí 46.219 triệu đồng; có 1.402 lao động hoàn thành các khóa đào tạo, học nghề và có 1.180 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động… Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giảm nghèo, đó là: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn thiếu kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững cấp cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn một số nơi còn bị động. Vẫn còn một số địa phương, đơn vị triển khai các nhiệm vụ chậm, chưa bảo đảm thời gian yêu cầu của Ban Chỉ đạo đề ra. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước....

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho biết, với 2 mục tiêu xuyên suốt là tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định và xóa nhà tạm, thì kết quả giảm nghèo năm 2022 đã thể hiện quyết tâm của chính quyền trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm đó là nhận thức của cấp ủy có lúc có nơi chưa thật sự quan tâm, chưa  sâu sát, nắm và hiểu từng phương án thoát nghèo cho hộ nghèo; còn thiếu đôn đốc, giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Song song với việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các hộ nghèo vươn lên tự lực thoát nghèo không trông chờ ỷ lại vào nhà nước, thì cấp ủy chính quyền các cấp cần thay đổi nhận thức, phải làm thật tâm đi sâu hiểu kỹ, nắm được nhu cầu thật sự các hộ nghèo là gì để có phương án thoát nghèo phù hợp, làm tốt các mô hình tạo sinh kế cho bà con, thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân cả nước, đổi mới cách làm trong công tác giảm nghèo bền vững là cấp thiết. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành cùng chung tay hỗ trợ công tác thoát nghèo, tránh tình trạng xong hết phong trào thì quay trở lại nghèo.Điều quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên, thoát nghèo từ trong học sinh, người dân trong cộng đồng, làng xã. Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chính quyền chỉ hỗ trợ để thoát nghèo, còn chủ yếu chủ thể thoát nghèo vẫn là người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu kỳ vọng, triển khai chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 sẽ có bước chuyển biến rõ rệt, tạo bước tiến cho các năm tiếp theo, tổ chức các chương trình hiệu quả, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Muốn thực hiện được điều này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý vai trò cấp ủy, người đừng đầu trong công tác giảm nghèo không thể xem nhẹ, đề nghị cấp ủy các cấp cần kiện toàn lại các ban chỉ đạo giảm nghèo, yêu cầu Trưởng các Ban Chỉ đạo phải là Bí thư, Chủ tịch; phân công cán bộ, đảng viên, đoàn thể theo dõi; có đánh giá báo cáo tổng kết theo từng quý; việc bố trí sắp xếp các nguồn vốn, cần tập trung chủ động kế hoạch, lập danh sách để phân bổ hợp lý. Đặc biệt đối với Chương trình giảm nghèo này tuyệt đối không để xảy ra sai sót, tiêu cực, phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Ban Dân vận tổ chức phát động lại phong trào xóa nghèo, hỗ trợ từng xã một, tính toán hỗ trợ lâu dài; kêu gọi tận dụng các nguồn lực hỗ trợ thêm.

Được biết, mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên Huế là phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Đ. Thọ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh