THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:07

Thừa Thiên Huế đốc thúc thực hiện chương trình giảm nghèo tại huyện miền núi A Lưới

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với huyện A Lưới về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với huyện A Lưới về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 của huyện giảm còn 38,20%, tương ứng 5.399 hộ/ 21.710 nhân khẩu (giảm 11,78% so với đầu năm). 14 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% của huyện A Lưới đều có tỷ lệ giảm nghèo từ 7% trở lên, trong đó xã Hồng Bắc có tỷ lệ giảm cao nhất 27,85%. 

Trong năm 2022, UBND huyện A Lưới đã phê duyệt danh sách 466 hộ gia đình đủ điều kiện được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 436 hộ có nhu cầu vay. Hiện tại đã giải ngân 17.440 triệu đồng, với mức vay 40 triệu đồng/hộ. A Lưới cũng đã thực hiện hỗ trợ 168 hộ có khó khăn về nước sinh hoạt, với số tiền 504 triệu đồng để mua bồn chứa nước, lắp đặt hệ thống dẫn nước. Các xã đã cấp cho các hộ gia đình lắp đặt và đưa vào sử dụng đảm bảo các hộ có nước sinh hoạt ổn định. 

Năm 2022, A Lưới tạo việc làm mới cho 758 lao động, đưa 16 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn; hỗ trợ 70 hộ dân phát triển chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị. Huyện còn triển khai đầu tư vùng trồng dược liệu quý, quy hoạch thực hiện các xã: Quảng Nhâm, Hồng Bắc và A Roàng.

Năm 2022 huyện A Lưới được giao 90.067 triệu đồng thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 100.674 triệu đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đã có 4.438 lượt hộ đượcvay vốn, với số tiền 169,4 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời cho 1.172 lượt hộ nghèo, 318 lượt hộ cận nghèo và 299 lượt hộ mới thoát nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển sinh kế, qua đó góp phần nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

Empty
Mô hình trồng sâm Bố Chính giúp người dân tại xã nghèo Hồng Bắc, A Lưới thoát nghèo, có thu nhập ổn định

Mô hình trồng sâm Bố Chính giúp người dân tại xã nghèo Hồng Bắc, A Lưới thoát nghèo, có thu nhập ổn định

Năm 2023, A Lưới phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo hiện nay xuống còn 3.691 hộ). 

Để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, huyện A Lưới tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, có việc làm ổn định, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đặc biệt, địa phương sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giáo dục định hướng, thông tin thị trường lao động, kỹ năng, trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu xã hội. Trong năm 2023, A Lưới dự kiến tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.030 người; đồng thời thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn, làm việc tại các khu chế xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Qua báo cáo định hướng của huyện A Lưới cũng như ý kiến trao đổi, đóng góp của đại diện các Sở, ban ngành liên quan, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị địa phương có sự chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, tạo sự chuyển biến tích cực ngay từ thời điểm đầu năm. Theo ông Bình, Chủ tịch UBND cấp xã cần nắm rõ số liệu thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn mình quản lý. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự kết nối, huy động cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc tỉnh rà soát kế hoạch triển khai một cách chi tiết và cụ thể, có kế hoạch trong từng tuần; đồng thời cần đốc thúc thường xuyên đến các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện; rà soát lại các tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, các đơn vị cần phối hợp lập danh sách những hộ có nhu cầu vay vốn để xây mới, sữa chữa nhà ở; rà soát, quan các đối tượng đã thoát khỏi hộ nghèo, khơi dậy tính chủ động, tự lực tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Ông Bình cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch giải ngân các nguồn vốn đầu tư công một cách cụ thể, chi tiết trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt cần tập trung giải ngân nguồn vốn còn lại trong năm 2022; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân nguồn vốn năm 2023. Khi có vốn, địa phương cần đẩy mạnh triển khai quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia để đạt kết quả cao nhất.

A Lưới là một trong 74 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã dành nhiều nguồn lực, áp dụng nhiều chính sách đặc thù, với quyết tâm đưa huyện miền núi biên giới này thoát khỏi huyện nghèo trước năm 2025.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh