CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Tham dự hội nghị còn có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh; Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện các sở, ngành liên quan của các tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong 20 năm qua, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam; tập trung huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp hơn 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh - sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả trong 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, góp phần thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển KTXH, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các Bộ ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trong suốt 20 năm qua.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Quy mô nguồn vốn còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, nguồn vốn còn phụ thuộc vào nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ và số dư tiền gửi 2% của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bày báo cáo tại Hội nghị

Bên cạnh đó, mức cho vay của NHCSXH còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, học tập của người dân; thời hạn vay vốn cũng còn chưa phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất kinh doanh của người vay vốn. Một số nhóm đối tượng có mức sống trung bình chưa được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước; công tác điều tra, xác nhận đối tượng vay vốn ở một số địa phương chưa được quan tâm rà soát và bổ sung kịp thời.

Mặt khác, chất lượng tín dụng chính sách cũng còn chưa đồng đều giữa các địa phương; việc thực hiện hoạt động ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội tại một số địa phương còn chưa hiệu quả, chặt chẽ; hạ tầng và nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của ngành ngân hàng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển KTXH của Chính phủ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng một số giải pháp trọng tâm như:

Một là, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; cơ chế trích lập dự phòng rủi ro; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phù hợp với đặc thù của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm" đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn. NHCSXH tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.

Ba là, tăng cường công tác thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo. Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp. Nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, nhằm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với hoạt động của NHCSXH.

Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng và phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội như có nhiều chương trình vay với các chính sách ưu đãi khác nhau, số lượng khách hàng lớn, quy mô khoản vay thấp, phải thực hiện giao dịch tại xã, phường chứ không phải tại trụ sở của ngân hàng... phải đảm bảo an ninh, an toàn, tiện lợi và dễ sử dụng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và yêu cầu Ban đại diện HĐQT các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hằng năm, cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát thường xuyên, định kỳ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác tại địa phương, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội.

AN NHIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh