CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Điện Biên phát huy các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đói, nghèo.

Từ thực tế cho thấy, việc triển khai công tác giảm nghèo tại  tỉnh Điện Biên đã thu được những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cán bộ và nhân dân. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, đã giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển KT-XH.

Thị trường lao động được kết nối, mở rộng, công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối cung, cầu lao động được đẩy mạnh, số lao động được giải quyết việc làm năm 2022 tăng 1.629 người so với năm 2021, theo đó năm 2022, tỉnh Điện Biên đã giải quyết việc làm mới cho 10.638 lao động, đạt 119,5%KH, tăng 17,73% so với năm 2021; trong đó: thông qua cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm là 2.740 lao động, vượt 149%KH,; xuất khẩu lao động 157 người; tuyển dụng vào các doanh nghiệp 4.391 lao động (trong đó doanh nghiệp ngoài tỉnh 3.947 lao động, doanh nghiệp trong tỉnh 444 lao động); các chương trình khác và tự tạo việc làm: 3.036 lao động…

Nhiều diện tích cà phê già cỗi được người dân Mường Ảng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, như: Chanh leo, bưởi da xanh, xoài Đài Loan...

Nhiều diện tích cà phê già cỗi được người dân Mường Ảng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, như: Chanh leo, bưởi da xanh, xoài Đài Loan...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 Tỉnh đoàn Điện Biên đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc triển khai thực hiện Chương trình gắn với các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Cụ thể như các phong trào: Thanh niên tình nguyện; "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới"; các hoạt động an sinh xã hội, phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo", Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, các hoạt động Tháng Thanh niên, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè...

Từ những việc làm đó, năm 2022, Đoàn thanh niên các cấp trong toàn tỉnh đã tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới cho hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên và người dân.

Từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp cho nhiều   thanh niên ở Điện Biên lập nghiệp, phát triển kinh tế

Từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp cho nhiều thanh niên ở Điện Biên lập nghiệp, phát triển kinh tế

Cùng với đó, tỉnh Đoàn cũng đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân ủng hộ nguồn lực chung sức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…bằng những việc làm cụ thể đó, trong năm 2022, Đoàn các cấp đã hỗ trợ người dân sửa chữa được trên 130 km, làm mới 1,2km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới 05 cây cầu nông thôn, toàn tỉnh thắp sáng được 26,25 km đường giao thông nông thôn, tham gia giúp đỡ nhân dân trong mùa gặt lúa, sửa sang lại nhà cửa do giông lốc, sạt lở, tổ chức quét dọn, vệ sinh khu vực nông thôn, thu gom 5 tấn rác thải, khơi thông 11km cống rãnh thu hút 21.618 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, tổ chức khánh thành 25 điểm trường, hỗ trợ xây dựng mới 18 điểm vui chơi cho thiếu nhi…

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững… thì việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng cũng được triển khai có hiệu quả.  Năm 2022 Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đang thực hiện 22 chương trình vay vốn, đã giải quyết cho 25.650 lượt khách hàng vay vốn doanh số cho vay trên 1.440 tỷ đồng.

Bằng nguồn vốn vay các chương trình, dự án, nhiều hộ dân ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng quy mô.

Bằng nguồn vốn vay các chương trình, dự án, nhiều hộ dân ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng quy mô.

Thông qua vốn tín dụng chính sách, đã có hàng chục nghìn lượt hộ thoát nghèo; như gia đình bà Mào Thị Trưởng, thôn Phai Tung, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, vào tháng 5/2022  bà được Ngân hàng CSXH cho vay 95 triệu đồng. Từ số tiền đó gia đình bà đã quyết định chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi bò sinh sản và đã đầu tư 80 triệu đồng mua 4 con bò sinh sản, 15 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi và trồng gần 1.000m2 cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Đến nay, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt.

Cũng như gia đình bà Trưởng, gia đình ông Thùng Văn Vơn, ở bản Nà Hỳ 3, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ; năm 2020 ông Vơn được Hội Nông dân xã nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Có vốn trong tay, cùng sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y và Hội Nông dân xã, ông Vơn đầu tư mua lợn, ngan, gà, vịt giống… phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi kết hợp. Cùng với đó, ông còn đầu tư cửa hàng, mở rộng buôn bán hàng tạp hóa, phục vụ nhu cầu của bà con trong bản. Sau chưa đầy 2 năm, cuộc sống gia đình ông Vơn đã dần thoát khỏi khó khăn…

Từ nguốn vốn ở phong trào “mái ấm nghĩa tình an sinh xã hội” đã giúp nhiều hộ nghèo ở huyện Tủa Chùa  có được nhà ở kiên cố.

Từ nguốn vốn ở phong trào “mái ấm nghĩa tình an sinh xã hội” đã giúp nhiều hộ nghèo ở huyện Tủa Chùa có được nhà ở kiên cố.

Cùng với nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cũng đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai hiệu quả. Như: Dự án mô hình nuôi bò cái sinh sản giống địa phương năm 2019 - 2020, thuộc Chương trình 30a tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng; Ban đầu, dự án được triển khai từ tháng 7/2019 cho 28 hộ nghèo với nguồn kinh phí hơn 594 triệu đồng. Qua 18 tháng thực hiện, tổng giá trị đàn bò tăng thêm so với ban đầu là hơn 80 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của mô hình đến nay, nhiều nông dân các xã vùng cao trên địa bàn huyện cũng áp dụng mô hình nuôi bò theo nhóm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Ông Sùng A Măng, Bí thư Đảng ủy xã Sá Tổng cho biết; thông qua các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế... không chỉ giúp bà con trên địa bàn xã nói riêng, toàn huyện nói chung xóa được đói, giảm được nghèo mà quan trọng hơn nó làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế. Với những tính ưu việt đó, chúng tôi mong muốn thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân, nhất là người nghèo, cộng đồng dân cư nâng cao vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, để không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2023, tỉnh Điện Biên phấn đấu trên 97% những người thuộc diện chính sách xã hội được hưởng chính sách an sinh xã hội; số hộ nghèo giảm xuống còn 37.078 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,57% (giảm 4,01% so với năm 2022); Trong đó, tại các huyện nghèo giảm tổng số hộ nghèo xuống còn 34.694 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,62% (giảm 5,99% so với năm 2022).

Để thực hiện được việc này, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai, thực hiện trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông về giảm nghèo và kế hoạch các hoạt động nâng cao năng lực kiểm tra giám sát đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022.

Tham mưu Kế hoạch triển khai rà soát, đánh giá xác định huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá UBND tỉnh đăng ký 02 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến năm 2025, gồm các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng.

Tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cho 354 người( trong đó 10 người cấp huyện, 344 cấp xã). Tổ chức 05 lớp đối thoại chính sách về giảm nghèo tại 2 huyện Tuần Giáo và Điện Biên Đông cho 227 người. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 tại các huyện, thị xã, thành phố…

Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh uỷ về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Ban chỉ đạo, do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban Chỉ đạo. Theo đó, quan điểm của tỉnh là không chồng chéo nhưng phải lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

 

Minh Quang

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh