Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Sự thôi thúc từ lương tâm của những người đang sống
- Người có công
- 16:43 - 10/07/2017
Trong những ngày hè tháng 7 nắng chói chang, trên khắp cả nước đang diễn ra rất nhiều những hoạt động có ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, giành độc lập cho dân tộc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nhưng đâu đó trong các cánh rừng âm u, trên những mảnh đất chiến trường xưa và cả ở trên đất nước bạn Lào, Campuchia vẫn còn lại hài cốt của những người con ưu tú của Tổ quốc vẫn chưa được quy tập, cất bốc. Nhiều gia đình vẫn ngày ngày mong ngóng tin về hài cốt thân nhân mình, nhiều bà mẹ, ông bố đã ra đi về với tổ tiên trong niềm day dứt bởi đã không thể một lần nữa nhìn thấy con mình trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung dự lễ an táng quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào
Đã hơn 40 năm kể từ ngày đất nước được thống nhất, nhưng công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ hy sinh vẫn đang là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Thực tế, việc quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước thực hiện ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhưng để việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy nhanh và hiệu quả hơn, ngày 27/7/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo (thường gọi là Đề án 1237).
Từ đề án này, trong những năm qua đã có hàng vạn hài cốt liệt sĩ cũng như nhiều ngôi mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trên khắp các chiến trường cả trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia được tìm thấy, quy tập và đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, hàng vạn liệt sĩ đã được xác định danh tính và trả lại tên trên bia mộ. Như việc tìm thấy và quy tập mộ tập thể hơn 100 hài cốt chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5 (Bộ chỉ huy miền) và lực lượng trinh sát Đại đội 240 Nhơn Trạch tháng 1/2015, hay việc tìm được hố chôn tập thể 36 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 95 Sư đoàn bộ binh 5 hi sinh trong trận tập kích căn cứ Hoàng Diệu ngày 18/5/1969, được an táng tháng 10/2015 tại Nghĩa trang liệt sỹ Long Khánh là những kết quả phần nào làm vơi bớt nỗi đau cho các thân nhân liệt sĩ.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia 1237 đã tìm kiếm, quy tập được 2.223 hài cốt liệt sĩ và 03 mộ tập thể. Trong đó, trong nước đã tìm thấy 971 hài cốt, ở Lào 339 và Campuchia 913 hài cốt. Ngoài ra, còn tìm được 06 mộ quân nhân lưu học sinh Lào.
Quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Kiên Giang
Từ đầu năm 2017 đến nay, bên cạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thì việc an táng hài cốt các liệt sĩ được tìm thấy trên nước bạn Lào cũng được Ban chỉ đạo 1237 và ngành LĐ-TB&XH các địa phương hết sức quan tâm. Mới đây thôi, tháng 5/2017, tại Nghệ An đã tổ chức Lễ an táng 107 hài cốt liệt sĩ, Tỉnh Thanh Hóa cũng đã long trọng tổ chức Lễ an táng cho 21 liệt sĩ, số liệt sĩ này là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào được tìm thấy, cất bốc trong mùa khô năm 2016 – 2017. Đặc biệt hơn, thời gian gần đây dư luận cả nước đã vui mừng khi Tỉnh Đồng Nai và Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã tiến hành khai quật được mộ tập thể chôn các chiến sĩ của ta trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968, và cũng từ đây, manh mối về ngôi mộ tập thể đuợc nghi là chôn hơn 600 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đêm ngày 1, rạng ngày 2 Tết Mậu Thân tại sân bay Tân Sơn Nhất cách đây gần 50 năm cũng đã được xác minh, làm rõ. Công tác tìm kiếm, khai quật đang được tiến hành và chỉ chừng đó thôi cũng đã khiến cho hàng triệu con tim Việt Nam khấp khởi vui mừng và hy vọng, nhất là đối với các thân nhân liệt sĩ và những cựu chiến binh, những người đã từng chứng kiến những giây phút vinh quang, hi sinh quên mình vì tổ quốc của đồng đội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp nhang tri ân các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ
Có cuộc chiến nào không thấm đẫm nước mắt, đau thương, có cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập nào mà không phải trả giá bằng sinh mạng con người. Nhưng hơn hết thảy, sự hy sinh của những chiến sĩ trên mặt trận giải phóng, giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước cách đây hơn 40 năm đã ghi lại một dấu mốc trong lịch sử dân tộc. Tiếc thay, đã gần ngót nửa thế kỷ đi qua, hài cốt và linh hồn các anh vẫn đang còn nằm lại, đang còn lẫn khuất đâu đó, vẫn như đang thách thức lòng kiên nhẫn và quyết tâm đi tìm của những người đang sống, những người bằng tình cảm, trách nhiệm và lương tâm với mong muốn đưa các anh về đoàn tụ cùng gia đình, đồng đội để ngày đêm nhang khói, tri ân. Đúng như phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trong Hội nghị triển khai công tác Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ được tổ chức hồi đầu năm 2017 “... chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, thời gian không chờ đợi chúng ta nữa, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ để đưa các anh, các chú về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sỹ không chỉ là nhiệm vụ chính trị, là tình cảm của thế hệ đi sau đối với các liệt sĩ, mà là mệnh lệnh từ trái tim của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Bằng tất cả tấm lòng, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm kể cả từ những manh mối dù nhỏ nhất để giúp cho thân nhân các liệt sỹ vơi đi nỗi đau và cũng để hương hồn các anh được về với gia đình, đồng đội”.