CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:26

Biểu dương 700 người có công tiêu biểu toàn quốc

 

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại hội nghị.


Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP. Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội.

Đặc biệt về dự hội nghị có 700 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu đại diện hơn 9 triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.


Chính sách ưu đãi NCC đối toàn diện, đầy đủ, kịp thời

Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong suốt 70 năm qua, kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9 triệu người (trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). “Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,…” – Bộ trưởng cho biết.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2007-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 46 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.524 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 133.321 sổ với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng. Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ trên 410 nghìn hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa, xây dựng nhà ở mới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo về công tác chăm sóc người có công.


Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, chú trọng. 5 năm qua, đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ (trong đó từ Lào về là 16.613 hài cốt; Campuchia 15.148 hài cốt). Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN,  đã xác định danh tính cho 3.423 liệt sĩ gửi tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận và công nhận 585 liệt sĩ trong số hồ sơ tồn đọng, xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, các mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 96,5% xã, phường được công nhận làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ, 97% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.

 

Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho các đại biểu.


“Những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần "hiếu nghĩa, bác ái" của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh, người có công và thân nhân người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc đồng thời đánh dấu những nỗ lực của Ngành LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua đối với công tác người có công”- Bộ trưởng chia sẻ.

Truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng tỏa sáng giữa thời bình


Chương trình giao lưu với mẹ VNAH Nguyễn Thanh Tùng.


Tại hội nghị các đại đã nghẹn nghào xúc động về câu chuyện của mẹ Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi, vừa là Mẹ Việt Nam Anh hùng, vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng Gia Định - Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bố mẹ và 8 người anh của mẹ lần lượt hy sinh, từ năm 11 tuổi mẹ đã làm giao liên, thư từ cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên mẹ tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Rồi mẹ lập gia đình và sinh được hai người con trai là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc Trung, những cái tên đầy ý nghĩa, nặng tình đất nước. Cả hai người con của mẹ đều sinh ra trong địa đạo. Cuối năm 1967, mẹ nhận được hung tin chồng của mình là liệt sĩ Phạm Văn Tám đã hy sinh, đến tháng 4/1975, mẹ lại thêm muôn phần đau đớn khi cả 2 người con của mình đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Với ý chí kiên cường bất khuất của mình, Mẹ giấu nước mắt để tiếp cùng anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang chiến đấu trên các mặt trận để hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong số đại biểu về dự có nhiều người là thương binh nặng 1/4 với tỉ lệ mất sức trên 90%, song đã vượt qua vết đau của thương tật, vượt qua tất cả những khó khăn để sống có ích, làm điểm tựa vững vàng cho con cháu. Nhiều người đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, thu hút tạo việc làm, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào công tác an sinh xã hội như thương binh 2/4 Phạm Thanh Xuân, tỉnh Lào Cai, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và bị thương nặng. Trở về với cuộc sống đời thường, anh xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chọn nghề nuôi ong mật với số lượng trên 700 đàn ong ngoại, cho sản lượng hàng chục tấn mật ong; mang lại việc làm cho hàng trăm lao động có mức lương cao. Thu nhập mỗi năm của gia đình hàng chục tỷ đồng, một phần trong đó anh đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.

 

Chương trình giao lưu với các đại biểu người có công.


Hội nghị biểu dương thương binh 2/4 Lê Hồng Quang, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bao bì 27/7 Hà Nội, tham gia chiến đấu và bị thương tại chiến trường miền Nam. Trở về với đời thường, ông cùng tập thể lãnh đạo đã đưa công ty từ một doanh nghiệp có cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu trở thành một trong những công ty sản xuất bao bì hàng đầu Việt Nam với trang thiết bị hiện đại, đời sống thu nhập của cán bộ công nhân viên được đảm bảo. Ông được nhận nhiều danh hiệu khen thưởng như: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương lao động 1, 2, 3, giải thưởng Sao vàng đất Việt,...

 

Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu


Chia sẻ cảm xúc của mình sau khi nghe những câu chuyện của các thương, bệnh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu cho biết, qua những câu chuyện kể, chúng ta thấm thía hơn, trân trọng hơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước; thấu hiểu và chia sẻ những nỗi nhọc nhằn, vất vả, khâm phục ý chí vượt khó và sự nỗ lực phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn của các đối tượng chính sách trong thời gian qua. Các đồng chí là những tấm gương sáng về lòng dũng cảm, kế tục và phát huy truyền thống của dân tộc, là những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn mang trong mình phẩm chất cao quý của “Anh Bộ đội cụ Hồ”, thể hiện tinh thần gương mẫu, ý chí kiên cường, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

 

Các đại biểu người có công nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ.


Để các mẹ vẫn được nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.

"Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đặt nền móng cho chính sách người có công và chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc (nay là Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Công tác người có công đã trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước ta. Trong những năm qua, chúng ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công"- Thủ tướng bày tỏ.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, với sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, cùng với sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

“Tuy nhiên chúng ta chưa thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi... Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta” – Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng khẳng định, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

 

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các đại biểu


Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ mong muốn, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong đó có 700 đại biểu tiêu biểu dự Hội nghị hôm nay, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, mãi là những tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong học tập, công tác, lao động và sản xuất, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 70 đại biểu người có công. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao tặng 630 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho đại biểu người có công.

 

Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

1. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

3. Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

4. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.

5. Phát triển sâu rộng các phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'', ''Uống nước nhớ nguồn'', "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng''… với nhiều chương trình phong phú, thiết thực, để cùng chung tay với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công với cách mạng.

6. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh