Tiếp thu các ý kiến hoàn thiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:18 - 05/01/2017
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc.
Từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên. Đây là lần đầu tiên hệ thống GDNN thu về một mối, tạo cơ hội thống nhất và thực hiện chiến lược phát triển trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, khi giao toàn bộ chức năng quản lý nhà nước về Bộ LĐ-TB&XH còn nhiều vướng mắc cần giải quyết…
Tiếp tục hoàn thiện đề án đổi mới
Bộ LĐ-TB&XH rất cần lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp đa chiều của các chuyên gia đã từng nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục để góp phần hoàn thiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN được hiệu quả nhất…
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng TCDN cho biết, trong những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở GDNN vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về GDNN cũng chưa thoát được tư duy bao cấp, kế hoạch hóa, chưa đủ sức kiến tạo cho sự phát triển của GDNN.
"Trước yêu cầu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học - công nghệ. Do đó, việc xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020” là cần thiết"- ông Minh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu
Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về GDNN, Tổ soạn thảo đã đưa ra dự thảo 10 nhóm giải pháp gồm: Đổi mới công tác quản lý về GDNN (là giải pháp đột phá); Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN; Đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức, quản lý đào tạo; Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (là giải pháp đột phá); Chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị; Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong GDNN; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN, thúc đẩy công nhận bằng cấp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Ở các nhóm giải pháp đã nêu, theo báo cáo, chỉ tập trung ở một số nội dung chủ yếu như: Việc xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đối với các nghề trọng điểm quốc gia đảm bảo tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển; ưu tiên tập trung xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng cho các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia.
Dự thảo Đề án cho thấy, việc quản lý và vận hành hệ thống GDNN theo chuẩn, đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về GDNN, phát triển hệ thống quản lý, đảm bảo, đánh giá và công nhận chất lượng GDNN. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng cho các trường CĐ và trường TC theo chuẩn các nước phát triển. Phát triển các cơ sở GDNN đa ngành, đa cấp trình độ đào tạo, nghiên cứu mô hình sát nhập trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp là vệ tinh của trường cao đẳng.
Mặc khác, hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao có đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc thế giới công nhận. Hình thành các cơ sở đào tạo nhà giáo GDNN có đủ năng lực để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân thành nhà giáo GDNN. Hình thành các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý GDNN. Đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức, quản lý đào tạo, các cơ sở GDNN tự chủ xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra.
Đổi mới tổ chức, quản lý đào tạo: Tổ chức đào tạo được thực hiện theo 3 phương thức niên chế, tích lũy mô đun, tín chỉ; cơ sở GDNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở và năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học và theo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu đối với từng chương trình đào tạo, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của GDNN, được tham gia tất cả các công đoạn trong hệ thống GDNN…
Tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án
GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ, hoan nghênh và đánh giá cao việc bàn giao chức năng quản lý chức năng quản lý Nhà nước về GDNN cho Bộ LĐ-TB&XH. Theo GS.TS Đào Trọng Thi, việc Bộ lấy ý kiến đóng góp cho Đề án lớn về Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN là rất quan trọng, cần thiết.
GS.TS Đào Trọng Thi cho rằng, hiện nay hội nhập sâu rộng do đó thị trường lao động cũng rất khác, ví dụ không chỉ thị trường ASEAN mà vươn tầm quốc tế, và không chỉ đưa lao động phổ thông mà chúng ta chú trọng đưa lao động có tay nghề chất lượng cao ra phân khúc thị trường thế giới…
GS.TS Đào Trọng Thi (ngồi phía trái) nguyên chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
Trên cơ sở đó, ông Thi lưu ý: Về đổi mới Đề án GDNN trước hết phải thể hiện được hai nội dung: Thứ nhất Nghị quyết của Đảng đã được thể chế hóa bằng luật đã được Quốc hội thông qua về GDNN trong đó có những thay đổi căn bản về công tác GDNN, tức là cả về trình độ, định hướng phát triển giáo dục, mạng lưới cơ sở giáo dục. Hiện nay, dạy nghề mở rộng và rất khác so với trước đây… Thứ hai, hiện nay hội nhập rất sâu rộng do đó thị trường lao động cũng khác, trước đây chỉ có phân khúc thị trường cho ngành nghề chất lượng cao, nhưng hiện nay hội nhập khu vực và quốc tế do đó cần xem lại và chủ động hơn trong việc xác định quy hoạch đào tạo nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Việc này trong đề án đổi mới có nêu nhưng chưa trình bày sâu sắc thành điểm nhấn…
Về triển khai thực hiện Luật GDNN, ông Thi lý giải, Luật GDNN xây dựng trên tinh thần của Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện GDNN, trong đó bao gồm toàn bộ chủ trương chính sách quan điểm của Đảng trong Nghị quyết này và nó được thể chế hóa cụ thể hơn trong luật GDNN. "Luật GDNN đã được ban hành có hiệu lực từ 2015, nhưng triển khai còn chậm. Nhưng vừa qua Chính phủ đã giao toàn bộ quản lý nhà nước về GDNN về Bộ LĐ-TB&XH, điều này thực sự phù hợp và xã hội đồng thuận…" - ông Thi nêu quan điểm.
Để công tác này sớm đi vào vận hành, theo ông Thi cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đây là nhiệm vụ rất nặng nề bởi khối lượng công việc khổng lồ, đặc biệt là các văn bản dưới luật đã có rồi nhưng còn sửa đổi bổ sung nhiều vì luật GDNN có thay đổi căn bản cả về quy mô, phạm vi, nội dung. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy là thống nhất hai bộ máy của hai bộ thành một thể thống nhất rõ ràng đây là vấn đề khó cả về kinh nghiệm và chuyên môn. Về mặt chuyên môn cũng có cái khó và cần thống nhất và rõ ràng hơn giữa hai bộ.
Một điểm khác cần nhấn mạnh công tác phân luồng mang tính chủ động, như phân luồng học sinh bậc phổ thông để tăng nguồn đầu vào cho GDNN, vì như hiện nay GDNN chưa có nguồn đầu vào, do đó trong đề án cần cho vấn đề này là vấn đề không nhỏ, mặt khác cần chú trọng phân luồng ở bậc THCS… Vấn đề phân luồng cần có sự can thiệp của Chính phủ, như hiện nay cách làm không hạn chế đầu vào ĐH của Bộ GD&ĐT là chưa phù hợp.
Về nâng cao chất lượng như dự thảo vẫn còn chung chung nên thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo theo khung chuẩn, từ đó xã hội sẽ nhìn nhận và đánh giá khi đầu ra đã khẳng định điều đó. Chất lượng có mức độ khác nhau, ví dụ như trước kia chất lượng theo chuẩn quốc gia, điều này là đương nhiên nhưng cũng chấp nhận việc đạt chuẩn thông thường…Tuy nhiên, dần dần cần hạn chế việc đua theo chuẩn quốc gia… mà phải hướng theo chuẩn quốc tế mới đáng để phấn đấu.
Cần khuyến khích thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa khối công lập, phải phân cụ thể về cả kinh phí đầu tư đồng thời khuyến khích khối tư nhân đầu tư GDNN, đặc biệt khuyến khích tự chủ GDNN, tự chủ nghĩa là phải tự quyết định trong khuôn khổ hành lang pháp lý chặt chẽ.
Xây dựng quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ GDNN cụ thể khoa học về quy mô cơ cấu ngành nghề trình độ chất lượng và phân bố vùng miền địa phương sát với thực tế địa phương thị trường lao động, có tính đến khối thị trường chung của khối ASEAN và phát triển hợp tác lao động quốc tế. Về vấn đề này theo ông Thi cũng nên xem xét cụ thể hóa, đặc biệt về chất lượng cũng phải có cơ cấu theo vùng miền, theo khu vực, quốc tế. Cần tăng cường đào tạo trình độ TC và CĐ, tối thiểu đào tạo cũng phải là sơ cấp có chứng chỉ trở lên thì mới tính là lao động qua đào tạo.
"Về việc sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN, cần có sự tăng cường phối hợp phân bố thống nhất tránh tình trạng manh mún, mặt khác thống nhất như vậy cũng là thống nhất các bậc trình độ. Về vấn đề khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào GDNN cần phân định rõ ở một số trường nước ngoài đầu tư là quản lý ra sao. Hay một số trường do doanh nghiệp nhà nước thành lập nhưng chưa cổ phần hóa thì tính ra sao? Rõ ràng về mặt sở hữu là cần tính toán kỹ…" - ông Thi góp ý.
Về vấn đề phong PGS và PGS theo ông Thi, vấn đề này không khó vì đó làm chức danh phong ở bậc ĐH, và các giảng viên các bậc GDNN có thể được phong nhưng với điều kiện người đó tham gia giảng dạy (hay thỉnh giảng) ở bậc trình độ ĐH và phong là phong ở bậc trình độ ĐH.
Góp ý vào Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, Nguyên Chủ nhiệm UBVH,GDTTN và Nhi đồng của Quốc hội, đánh giá cao Đề án đổi mới GDNN của Bộ LĐ-TB&XH rất cụ thể, rõ ràng, công phu.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình PGS.TS Trần Thị Tâm Đan lưu ý, cần đưa 5 quan điểm đầu tiên như đã nêu của GS.TS Đào Trọng Thi, cần cụ thể gắn nội dung với nghị quyết quan điểm, ví dụ như xây dựng GDNN theo mô hình hướng mở và xây dựng các cơ sở GDNN cũng theo hướng mở.
GDNN về Bộ LĐ-TB&XH và Bộ phải xây dựng rõ trong đề án gắn với các lĩnh vực giải quyết việc làm như XKLĐ, và việc này cần liên hệ mật thiết với các Bộ, ngành khác để giải quyết việc làm. Để làm được điều này, bản thân lãnh đạo TCDN cũng nên xây dựng mối quan hệ với các bộ ngành, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề bức xúc trước mắt cũng như lâu dài. Về các nhóm giải pháp thể hiện trong đề án, công việc rất lớn cần chia thành các nhóm nhỏ để đi cụ thể vào các vấn đề cụ thể sau sắc hơn. Tổ soạn thảo cũng cần làm rõ cụ thể về xây dựng các trường ĐH nào là nghiên cứu, trường ĐH nào chuyên về ứng dụng…?
Về vấn đề phổ cập THCS sắp tới là THPT, theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cần đề nghị với Chính phủ nghiên cứu và trình đưa vấn đề GDNN vào vấn đề phổ cập. Về đào tạo bậc ĐH, đặc biệt trong công tác phân luồng, và việc Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo không giới hạn chỉ tiêu đầu vào hệ ĐH nhưng vấn đề đầu ra như thế nào cũng cả là vấn đề cần tính toán kỹ…Vấn đề tuyển sinh của các trường TC, CĐ… PGS.TS Trần Thị Tâm Đan đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần có tính toán hợp lý, đồng thời rất cần có chỉ đạo của Chính phủ, điều này liên quan đến sống còn của các trường.
Về vấn đề tự chủ, sắp xếp lại mạng lưới các trường ở các địa phương PGS.TS Trần Thị Tâm Đan một lần nữa cho rằng cần có các nhóm trong tổ soạn thảo xuống các tỉnh để tìm hiểu nắm bắt kỹ. Nếu sắp xếp phải tính đến quy mô, chất lượng và số lượng các trường, các trung tâm nên giảm đi, và lấy ý kiến địa phương và các cơ quan chủ quản. Mặt khác, đề nghị Chính phủ ưu tiên, tạo điều kiện về đất, thuế cho tư nhân tham gia vào GDNN, về phía quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tiến tới giảm dần sự can thiệp… Các vấn đề nêu ra không chỉ mong muốn của Bộ LĐ-TB&XH mà cũng là mong muốn của Chính phủ thể hiện trong luật.
“Nên nghiên cứu cơ chế tự chủ trên cơ sở công khai, nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề. Về kiểm định chất lượng, là vấn đề mới cũng nên công bố công khai. Trong Đại hội Đảng cũng từng nhắc đến, chúng ta chuyển sang phát triển một nền giáo dục phát triển theo năng lực, kỹ năng mục đích để học sinh khi vào việc là phải giải quyết một vấn đề công việc một cách thành công….việc này cần nghiên cứu kỹ”, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan chia sẻ.
Các đại biểu GS.TS Nguyễn Lộc, Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cũng bày tỏ và đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH rất tâm huyết và tương đối đầy đủ. Theo ông Lộc, dự thảo đề án mới chỉ là khung chính, sắp tới cần phân công đi vào thực tiễn là phải cụ thể, chi tiết chung cụ thể hóa cho từng cấp trình độ đào tạo. "Ta nên đặt vấn đề trọng tâm của Đề án này là gì, là đổi mới về thể chế, nhìn chung trong đề án cần thống nhất sử dụng các thuật ngữ sao cho hợp lý đậm nét…"-GS.TS Nguyễn Lộc phát biểu.
Các chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.
Tại buổi làm việc, còn có một số đóng góp ý kiến, cả trực tiếp và góp ý bằng văn bản như GS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và nghề CTXH Việt Nam; đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam…Tất cả các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá rất cao. "Các ý kiến đều rất cụ thể, thiết thực và rất quý để Ban soạn thảo đề án có thêm thông tin để điều chỉnh, bổ sung để Đề án thực sự khoa học, thiết thực khi đi vào cuộc sống"-Bộ trưởng nói.
Để tiếp tục hoàn thiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vào 17/1/2017 Bộ sẽ tổ chức buổi gặp mặt lãnh đạo các trường, các cơ quan chủ quản của các trường… để nắm bắt tâm tư đồng thời tiếp thu các ý kiến vào đề án đổi mới. Được biết, buổi gặp mặt có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ ngành liên quan. |