THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:15

Bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

 

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại lễ bàn giao.

Tham dự lễ bàn giao có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, Tổng Cục dạy nghề; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: 201 trường cao đẳng (CĐ) sẽ chuyển Bộ LĐ-TB&XH, với 449.558 sinh viên và 24.260 giảng viên; 303 trường TCCN, với 315.000 học sinh và 18.309 giáo viên.

Về nội dung Bộ GD&ĐT bàn giao Bộ LĐ-TB&XH: Nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) (không tính các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên các cấp); nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đào tạo trình độ CĐ, TCCN tại các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác (không tính lĩnh vực đào tạo giáo viên); Hồ sơ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp; các nhiệm vụ xây dựng, thực hiện đề án về giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ; nhân sự đối với công chức của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Bộ GD&ĐT có nhu cầu chuyển về công tác tại Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Tại lễ bàn giao, hai Bộ thống nhất xử lý các công việc trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể: Các trường CĐ hiện nay đang thuộc hệ thống giáo dục đại học nên mục tiêu, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn cán bộ giảng viên khác biệt rất nhiều so với các trường CĐ nghề. Do đó cần có giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên, sinh viên yên tâm trước khi triển khai chương trình đào tạo mới theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Về công tác tuyển sinh: Bộ GD&ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường CĐ, TCCN năm 2016. Từ năm 2017 các trường CĐ, TCCN sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB&XH ban hành phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp.

Về đào tạo: Những sinh viên CĐ tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình CĐ hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng CĐ theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ LĐ-TB&XH, cấp bằng CĐ thuộc giáo dục nghề nghiệp.

Về liên thông TCCN – CĐ – ĐH: Những học sinh, sinh viên CĐ, TCCN tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước nếu có đủ điều kiện theo qui định hiện hành thì được tạo điều kiện để học liên thông lên ĐH nếu có nguyện vọng. Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu liên thông của các trường ĐH để có thể tuyển sinh đào tạo liên thông TCCN – CĐ – ĐH cho các đối tượng này. Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

Về xử lý các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến các trường CĐ, TCCN: Bộ GD&ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng của các trường CĐ, TCCN đã gửi về Bộ trước ngày 31/10/2016.

Hai Bộ cũng thống nhất về phương thức và thời hạn bàn giao: Chuẩn bị nội dung chi tiết bàn giao, xây dựng biên bản bàn giao, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của từng Bộ, không bỏ sót, không chồng chéo nội dung công việc. Hai Bộ sẽ ký biên bản bàn giao trước ngày 31/12/2016. Kể từ ngày 1/1/2017 Bộ LĐ-TB&XH thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh