THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:42

Tăng cường giúp phụ nữ tiếp cận quyền sử dụng đất đai

Phụ nữ ngại tiếp cận  nơi “công đường”

Ngày 18/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về Phụ nữ (ICRW) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội thảo tham vấn Dự án “Tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ ở Việt Nam”.

Được triển khai trong 2 năm từ tháng 11/2014 đến tháng 11/2016, dự án “Tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ ở Việt Nam” thí điểm triển khai tại xã Nhân Hòa, Dương Quang (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) và xã Tân An, Long Sơn (huyện Cần Đước, Long An). Dự án nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và nam giới về các quyền đối với đất đai trong khuôn khổ khung pháp lý hiện hành; Thúc đẩy khả năng tiếp cận với quyền liên quan đến đất đai (đặc biệt là phụ nữ); Thu nhập bằng chứng về các trở ngại liên quan đến giới trong việc thực hiện quyền về đất đai ở nông thôn; Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và đoàn thể quần chúng để vận động cho bình đẳng giới trong chính sách đất đai.  

Mô hình làm kinh tế cảu phụ nữ ở Yên Bái (Ảnh Internet)

Tại hội thảo, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS cho biết, những nghiên cứu của dự án tại các địa phương cho thấy, phụ nữ không tự tin trong giao tiếp và cũng không giao tiếp nhiều như nam giới nên các công việc liên quan đến giấy tờ đất đai được xem như không phải là việc của họ mà là việc của đàn ông. Nhiều chị em cho rằng họ kém về việc ăn nói, không biết nói chuyện thế nào ở chốn “công đường”, nên họ cũng thường dành công việc liên quan đến giấy tờ đất đai cho đàn ông chính vì vậy  phụ nữ ít biết cách xin cấp GCNQSDĐ hơn nam giới. Khi được hỏi về khả năng xử lý mâu thuẫn liên quan đến đất đai nhiều phụ nữ cho rằng họ không có khả năng xử lý các mâu thuẫn đó.

Giấy chứng nhận trước đây chỉ ghi tên chủ hộ, đa phần là nam giới và thường đóng vai trò là thừa kế. Theo cán bộ địa phương xã ở Hưng Yên, nhiều người không muốn nhận GCNQSDĐ vì họ không muốn đóng thuế sử dụng đất. Nhiều phụ nữ cũng không nhận thấy lợi ích của việc sở hữu GCNQSDĐ. Ở Long An, vì thủ tục xin GCNQSDĐ phức tạp và rườm rà nhiều người sử dụng cò mồi và môi giới. Điều này làm việc xin cấp GCNQSDĐ đắt hơn. Một số cán bộ địa phương tạo rào cản cho người dân khi họ muốn xin cấp GCNQSDĐ hoặc sửa tên hoặc chuyển giao mảnh đất cho con cái họ …Điều này cũng đẩy người dân tới dùng có mồi.

Về nhà ở, đa phần Giấy chứng nhận đất ở chỉ có tên chồng. Ở Long An hơn 50% người dân được phỏng vấn không đồng ý với nhận định “ Phụ nữ đã kết hôn có thể sở hữu đất hoặc nhà riêng”. Tại Hưng Yên gần 50% ý kiến cho rằng “ Phụ nữ đã kết hôn không thể sở hữu đất hoặc nhà riêng”.

Hạn chế tiếp cận pháp lý

Theo bà Khuất Thu Hồng, ngoài ra phụ nữ còn phải đối mặt với những rào cản liên quan đến phong tục truyền thống là ưu tiên nam giới hơn phụ nữ trong việc tiếp cận đất đai. Phát hiện nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù qui định tất cả công dân Việt Nam là bình đẳng và có quyền bình đẳng, việc thừa kế đất gia đình vẫn phụ thuộc vào nam giới. Thiếu hiểu biết về các khía cạnh khác của pháp luật của nông dân. Đặc biệt là về các vấn đề gây tranh cãi như : Phụ nữ và nam giới bình đẳng nhưng phụ nữ chưa lập gia đình không thể sở hữu  tài sản riêng, còn nam giới chưa lập gia đình thì có thể. Gần 50% phụ nữ ở Hưng Yên và Long An không biết làm thế nào để có được GCNQSDĐ.

Phụ nữ làm kinh tế ở Lai Châu (ảnh Internet)

Bà Trần Thị Minh Châu đến từ Liên minh đất đai (Landa) cũng cho rằng rào cản lớn khiến phụ nữ khó tiếp cận đất đai là do phụ nữ còn tự ty, nhường việc đăng ký cho chủ hộ trong cấp mới; Luật tục truyền thống làm phụ nữ bị giảm cơ hội được đứng tên trong GCNQSDĐ. Tâm lý rụt rè e ngại của phụ nữ ( sợ ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, gia đình) nên không đòi quyền đứng tên. Điều này dẫn đến phụ nữ thiếu cơ hội tiếp cận tín dụng một cách chủ động. Phụ nữ mất quyền tiếp cận, kiểm soát và hưởng dụng đất đai, đặc biệt trong ly hôn, giao dịch dân sự, tranh chấp đất đai dòng tộc và đảm bảo an sinh tuổi già…Vì thế, chính sách có tiến bộ nhưng hiệu quả thực thi thấp không làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ.

 Ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TANDTC cũng thừa nhận, việc ghi tên trong  GCNQSDĐ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả vợ và chồng, mà quan trọng là bảo vệ quyền lợi cảu người phụ nữ. Tuy nhiên trên thực tế nhiều trường hợp vẫn ghi tên 1 người (chủ yếu là người chồng )  trong giấy GCNQSDĐ mà nguyên nhân dẫn đến việc này là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều cán bộ chính quyền không hiểu ý nghĩa việc đứng tên 2 vợ chồng trong GCNQSDĐ. Thủ tục cấp GCNQSDĐ rườm rà mất thời gian . Định kiến xã hội chi phối nặng. “ Chính vì vậy khi xảy ra xung đột, tranh chấp phần thua thiệt chủ yếu rơi vào phụ nữ” – ông Lượng nói.

 Bà Stell Mukasa,đại diện USAID  khẳng định, việc thiếu nhận thức về các quy định của luật pháp cũng như thiếu nguồn lực thực thi các quyền về tài sản của phụ nữ ở cấp tỉnh thường gây cản trở cho việc tiếp cận quyền sử dụng đất đai. Theo bà, dự án này sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ với các quyền về đất đai và những cơ hội kinh tế đi kèm

Nguyễn Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh