THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:04

Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Hội thảo do Australia tổ chức với chủ đề "Tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động nữ: Các rào cản và giải pháp cho G20 và các quốc gia".

 

Nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Điều này được thể hiện trong xây dựng và thực hiện luật pháp chính sách, các chiến lược, chương trình, các đề án quốc gia nhằm đảm bảo và huy động tối đa sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động việc làm.  "Việt Nam đã xây dựng và thí điểm nhiều mô hình các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động, đảm bảo việc làm tốt hơn cho phụ nữ"- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động là một trong những ưu tiên quan trọng trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020 của Việt Nam. Theo đó, nhóm giải pháp để thực hiện những ưu tiên này là giảm chi phí tiếp cận việc làm, thời gian tìm việc làm; đảm bảo các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế.


Hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng nông thôn vay ưu đãi để tạo việc làm 

 

Dẫn chứng nhiều mô hình nổi bật đã và đang được triển khai thí điểm tại Việt Nam, Bộ trưởng liệt kê hàng loạt mô hình xây dựng ở địa phương phát huy hiệu quả như: xây dựng nhà giữ trẻ bên cạnh khu công nghiệp hoặc nhà giữ trẻ ở các trung tâm giới thiệu việc làm để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với cơ hội việc làm; hỗ trợ phụ nữ tham gia học nghề và đào tạo nghề, Quỹ tín dụng dành cho phụ nữ nghèo vùng nông thôn vay ưu đãi để tạo việc làm. "Những nỗ lực đó đã tạo ra nhiều cơ hội để phụ nữ Việt Nam tiếp cận việc làm, tham gia tích cực vào thị trường lao động"- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ.

Thách thức với phụ nữ tham gia thị trường lao động

Chia sẻ tại hội thảo này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng nêu rõ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Lực lượng lao động nữ vẫn kém hơn nam cả về số lượng và chất lượng. Khoảng cách giới tồn tại trong nhóm lao động có trình độ dạy nghề và đại học trở lên; Vấn đề giới trong việc làm còn thể hiện ở các khía cạnh như cơ cấu việc làm, khu vực làm việc, vị thế làm việc… của lao động nữ và lao động nam. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm, tốc độ chuyển dịch việc làm ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp của lao động nữ chậm hơn lao động nam. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều phụ nữ phải di cư, không có điều kiện tiếp cận việc làm tốt và chính sách an sinh xã hội cơ bản. Do vậy, hiện nay lao động nữ còn tập trung nhiều ở khu vực phi chính thức và luôn phải đối mặt với nguy cơ việc làm không ổn định. "Trong đời sống xã hội, phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại như gánh nặng chăm sóc gia đình, tư tưởng trọng nam, coi thường nữ đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ tại nơi làm việc, tham gia vào đời sống xã hội, chính trị và kinh tế"- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu nguyên nhân.

Hiện nay, lực lượng lao động ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 48,5%- thuộc một trong những nước có tỉ lệ lao động nữ cao trên thế giới. Trong năm 2014, lực lượng lao động nữ chiếm 48% trong tổng số 1.6 triệu lao động được tạo việc làm mới. Khoảng cách giới về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và thu nhập đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 73,5% và nam là 82,5%. Số lượng các doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt trên 20%. Nữ tham gia vào Ban Lãnh đạo của các doanh nghiệp chiếm khoảng 48%. 

 

 


VĂN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh