THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:04

Nam giới không ủng hộ vợ làm lãnh đạo?

Những kết quả đạt được cho thấy khả năng đạt chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 11 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 còn một khoảng cách khá xa”, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ –TB&XH) Trần Thị Bích Loan cho biết tại hội thảo “Tham vấn Bộ thông điệp truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị” diễn ra ngày 16/3, tại Hà Nội. 

Lãnh đạo nữ phải có ngoại hình đẹp? 

Tại hội thảo, bà Ngô Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) chia sẻ về nghiên cứu “Phụ nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị: Niềm tin và sự lựa chọn của người dân”.

Theo đó, ngoài những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với một lãnh đạo nói chung, người dân còn cho rằng “lãnh đạo nữ phải có ngoại hình đẹp, sang trọng để thu hút người khác và ngoại giao hiệu quả”; phụ nữ lãnh đạo phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phụ nữ được cho rằng chỉ phù hợp với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định (mảng xã hội và công tác nhân đạo).

Những người đàn ông thì cho rằng nếu vợ làm lãnh đạo thì có thể sẽ ảnh hưởng đến vị thế, hình ảnh của nam giới trong gia đình: “Đàn ông ai lại rửa bát, quét nhà”, “đàn ông mà kém vợ là hèn”.   

Tỷ lệ phụ nữ tham chính thấp, vì đâu? Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo.    Ảnh PA

Từ những nhận thức đó dẫn đến thái độ của người dân chỉ ngưỡng mộ những người phụ nữ lãnh đạo trực tiếp, gần gũi và mang lợi ích cho họ. Họ tin phụ nữ và nam giới có thể làm lãnh đạo giỏi như nhau, nhưng nam giới có nhiều điều kiện để phát huy khả năng hơn phụ nữ.

Người dân ủng hộ các lãnh đạo nữ tại địa phương bằng rất nhiều cách như hưởng ứng, làm theo các quyết định  của lãnh đạo nữ (23,06%), tiếp tục bầu cho lãnh đạo nữ (19,7%), chia sẻ với các khó khăn của lãnh đạo nữ (7%). Không lựa chọn phụ nữ làm lãnh đạo nếu có hai ứng cử viên nam và nữ tương đương nhau về phẩm chất, trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm, độ tuổi.

Chị PVS, cán bộ huyện Vũng Liêm, (Vĩnh Long) nói: “Bầu cử xong, gặp mình có chị còn nói là tao gạch mày rồi vì thương lắm, là phụ nữ mà làm lãnh đạo thì vất vả”. Nam giới không ủng hộ vợ làm lãnh đạo hoặc chỉ ủng hộ “có điều kiện”.

Phụ nữ tham chính gặp nhiều rào cản

Tại hội thảo, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã chia sẻ nội dung các cuộc thảo luận trên báo chí và mạng xã hội thời gian gần đây do CSAGA tổng hợp.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, các vấn đề đang được dư luận quan tâm về chủ đề phụ nữ tham chính là: Vì sao tỷ lệ phụ nữ tham chính tại Việt Nam còn thấp?; Làm thế nào để phụ nữ tham chính nhiều hơn; Công chúng đánh giá vẻ ngoài của nữ chính trị gia như thế nào? Trong đó các nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ tham chính tại Việt Nam còn thấp do: Tiếng nói của phụ nữ trong các lĩnh vực khác (ngay trong gia đình) còn không được coi trọng; mức độ khoan dung của xã hội đối với những người phụ nữ tham chính thấp. Xã hội (trong đó vai trò của chính quyền và chính sách) chưa tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của phụ nữ vào chính trường...

Bản thân phụ nữ không vượt qua được định kiến xã hội, thì cho dù người phụ nữ có tham chính cũng không góp phần xóa bỏ định kiến giới. Bản thân phụ nữ tự gièm pha, đố kị với nhau. Nhiều trường hợp phụ nữ khi đi học thì ý thức tự lập, khao khát bình đẳng  rất cao, nhưng ra khỏi cổng trường mất ý thức ngay vì tâm thức nô lệ và khuôn mẫu xã hội khi từ nhỏ đã được áp đặt cho con gái.

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để tỉ lệ phụ nữ tham chính nhiều hơn?”:  Nhiều ý kiến cho rằng cần thêm chính sách chế độ hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn sinh con, cho con bú. Tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ lựa chọn. Cần những phụ nữ đủ năng lực, có khát vọng và có ý chí tham chính để cùng nhau thay đổi.

Nếu bỏ được "cơ cấu" mà để cho mọi người tự do ứng cử thì phụ nữ sẽ có thêm cơ hội. Tất nhiên phải hỗ trợ nữ ứng cử vì họ còn thiếu kinh nghiệm và chịu nhiều áp lực xã hội chứ không phải hỗ trợ vì họ yếu năng lực hơn đàn ông...

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xây dựng nội dung thông điệp truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị khi sắp diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

NH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh