THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:56

Phụ nữ tham chính: Việc nước - việc nhà nặng cả hai vai

 

Việc nước - việc nhà nặng cả hai vai

Con đường “dấn thân” phấn đấu của chị Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiên Lao (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) gắn liền với quãng thời gian hơn mười năm vừa đi học từ trung cấp, đại học, vừa nuôi con nhỏ, vừa phát triển kinh tế gia đình và làm công tác hội.

Chị Liên tâm sự: “Những ngày đầu đi học, tôi được chồng động viên nhiều. Anh cần mẫn chở vợ bằng xe đạp ra tận thị trấn Chũ để tôi bắt xe lên thành phố. Sau này, do công việc, học hành bận rộn, tôi thường xuyên vắng nhà. Hàng xóm láng giềng bắt đầu có lời ra, tiếng vào.

Mỗi khi đi đám giỗ, đám cưới, nghe những lời dị nghị, ban đầu anh ấy chỉ cằn nhằn, sau nặng lời, chì chiết. Nhiều đêm tôi trằn trọc, khổ tâm, rơi nước mắt. Một câu hỏi cứ quay quắt trong đầu: Dừng lại, trở về làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ hay tiếp tục phấn đấu?

Nhưng rồi nghĩ, sự phấn đấu không còn là của riêng mình mà còn là sự tin cậy của hơn 800 hội viên phụ nữ, của đảng ủy, lãnh đạo xã, mình không thể phụ sự gửi gắm, kỳ vọng ấy. Vừa nhẫn nhịn, nhẹ nhàng với chồng, tôi vừa phải cố gắng thu xếp việc nhà, ổn định kinh tế để chồng con không thấy thiếu hụt bàn tay người phụ nữ”.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý kinh tế, chị Liên được quy hoạch vào các chức danh Phó Chủ tịch HÐND, Phó Chủ tịch UBND, là cán bộ nữ duy nhất trong Thường vụ Ðảng ủy xã Kiên Lao.

Chuyện của chị Liên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về sự nỗ lực của giới nữ làm lãnh đạo, luôn phải cố gắng vươn lên, gánh nặng "hai vai" cả việc nước, lẫn việc nhà. Sự phấn đấu của họ thường bị đặt lên bàn cân, mà cán cân ấy luôn lệch về phía "bổn phận" đàn bà.

phụ nữ nông thôn học cách phòng chống bạo lực gia đình.	(Ảnh minh họa).

Phụ nữ nông thôn học cách phòng chống bạo lực gia đình.   

Quan niệm ấy chính là rào cản đáng kể trên bước đường thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ. Bởi vậy, phụ nữ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, dù ít hay nhiều, đều vấp phải những khó khăn khi cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.

Một số chị kể, khi được gợi ý ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc HĐND họ ngại ngần, nhưng rồi nhận thấy trách nhiệm của mình với xã hội, nên đã đồng ý. Hầu hết các chị làm công tác lãnh đạo từ 3 nhiệm kỳ trở lên đều được chồng và gia đình ủng hộ. Tuy nhiên, một vài trường hợp đã để xảy ra tình huống đáng buồn khi con cái học hành sa sút, hôn nhân tan vỡ.

Định kiến giới “níu kéo” phụ nữ vươn lên

Hiện nay, phụ nữ chiếm 51% dân số của cả nước, về lực lượng lao động,  họ cũng chiếm gần 50%. Được coi là một nửa thế giới cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, tuy nhiên vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Ở nhiều cơ quan, đoàn thể chính quyền, số lượng cán bộ nữ trẻ còn ít, khó khăn trong việc tạo nguồn; điều kiện thể hiện năng lực và phát huy vai trò còn hạn chế; vị thế lãnh đạo và quản lý chưa tương xứng với tiềm năng; chưa kịp thời khắc phục những tồn tại để có những chính sách phù hợp trong xây dựng nguồn cán bộ nữ.

Cán bộ nữ thường được bố trí đảm nhận các công việc liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội; việc thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ hiện nay tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị...

Bên cạnh đó, do sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ; nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành còn chưa nhận thức đầy đủ về công tác cán bộ nữ; gánh nặng công việc gia đình và những định kiến về năng lực quản lý của phụ nữ gây trở ngại đối với phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị; sự bất bình đẳng trong vấn đề tham chính của phụ nữ.

Có những trở lực khiến phụ nữ khi bước chân ra xã hội khó tiến thân như cơ quan thẩm quyền thiếu quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sắp xếp. Về phía chị em, hạn chế xuất phát từ bản tính thiếu ý chí phấn đấu, thiếu tự tin hay đố kỵ...

Cùng với đó, nhận thức xã hội vẫn tồn tại tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Đây không chỉ là định kiến giới của xã hội, của gia đình, của giới nam đối với giới nữ mà còn là sự mặc cảm, tự ti của bản thân chị em phụ nữ về năng lực lãnh đạo, quản lý của chính mình. Điều này dẫn đến tâm lý an phận, triệt tiêu ý thức phấn đấu của chị em.

Trách nhiệm với gia đình; cơ chế thị trường và sự phát triển xã hội đang làm đầy thêm gánh nặng trách nhiệm của người phụ nữ trong thiên chức người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên của con cái, khiến nhiều chị ít có điều kiện để tiếp cận với những cơ hội để phát triển bản thân. Đây cũng  là một thách thức đặt ra đối với hầu hết chị em phụ nữ, tác động không nhỏ đến cơ hội thăng tiến của họ.

pháp luật đều qui định bình đẳng giữa nam và nữ trong học tập, việc làm và thăng tiến, nhưng thực tế các quy định trên vẫn còn khoảng cách, bất lợi lớn vẫn nghiêng về phụ nữ. Bất bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đang là rào cản đối với sự phát triển vươn lên của nhiều phụ nữ.

 

Cả nước hiện có 8,6% cán bộ nữ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tăng 4,4 % so nhiệm kỳ trước; cấp tỉnh, thành có hơn 11% cán bộ nữ tham gia cấp Ủy. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6% và cấp cơ sở là 27,7%.

Châu Anh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh