THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:57

Thương binh Hà Văn Thặng vượt qua bệnh tật vươn lên làm giàu bền vững

Khi đến Chợ Gạo – Tiền Giang, nhiều người biết đến người thương binh “tàn nhưng không phế” Hà Văn Thặng (sinh năm 1956), một trong những thương binh nặng (hạng ¼ với tỷ lệ thương tật, bệnh tật 81%). Ông là biểu tượng cho sự nỗ lực vượt lên bản thân, lên chính mình để vươn lên làm giàu, tạo dựng cơ nghiệp bền vững với tổng giá trị tài sản nhiều tỷ đồng; nuôi dạy 3 người con ăn học trưởng thành tài. Từ những cống hiến sức lực và trí lực, thương binh Hà Văn Thặng đã được Bộ Quốc Phòng tặng  Huy chương Độc lập Hạng II; UBND huyện Chợ Gạo tặng hai giấy khen về thành tích chiến đấu trong kháng chiến.

Chia sẻ với phóng viên ông Hà Văn Thặng cho biết,  năm 1972, khi ông mới 14 tuổi đã tham gia làm giao liên dẫn đường cho du kích về làng đánh địch. Đến năm 1973 thì ông chính thức thoát ly gia đình tham gia cách mạng, hoạt động tại đơn vị Xã đội xã Long Bình Điền. “ Trong một lần đang gài trái để chặn giặc càn quét vào căn cứ cách mạng, tôi bị thương là cụt toàn bộ cánh tay trái, tay phải đứt 2 ngón, đứt cuống họng nước và 1 ngón chân cái của chân mặt. Hiện ở trong đầu tôi vẫn còn 2 miểng đạn chưa lấy ra được”, ông Thặng kể lại.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Thặng được phân công làm Xã đội phó, rồi Xã đội trưởng xã Long Bình Điền. Trong thời gian này ông lấy được vợ, do đồng đội cũ mai mối.

Thương binh Hà Văn Thặng chia sẻ về vườn bưởi da xanh của gia đình.

Thương binh Hà Văn Thặng chia sẻ về vườn bưởi da xanh của gia đình.

Ông Hà Văn Thặng cho biết, lấy vợ được một năm, gia đình ông hạnh phúc khi đón đứa con gái đầu lòng thật dễ thương. Khi đó, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thương vợ con ông quyết định xin lãnh đạo cho nghỉ làm Xã đội trưởng để về nhà phát triển kinh tế trên 8 công ruộng (mỗi công tương đương 1.000 m2) của gia đình. “Sau khi đọc đơn xin nghỉ làm của tôi đồng chí Bí thư huyện Chợ Gạo khi đó là Nguyễn Hữu Đức và đồng chí Bí thư xã Long Bình Điền đã tới nhà nhiều lần để vận động ở lại làm việc hoặc chuyển ngành sang làm việc ở công ty thương mại nhưng tôi quyết nghỉ việc. Tôi nói với các đồng chí bí thư, đất nước đã thống nhất rồi, thương binh nặng như tôi bệnh tật luôn thì nhường thanh niên có trình độ để họ làm tốt hơn”, ông Thặng nói.

Trong những ngày tháng đầu làm kinh tế, do sực khỏe bị ảnh hưởng nặng và những vết thương trên người thường xuyên tái phát hành hạ ông, những khi thời tiết thay đổi các vết thương ở đầu đau nhức phải uống thuốc thường xuyên. Hơn nữa, do viên đạn cắt cuốn họng nên việc nói chuyện, ăn uống, sinh hoạt của ông Thặng luôn gặp nhiều khó khăn nên ông phải đấu tranh vượt lên bệnh tật, kiên trì nhẫn nại để làm kinh tế nuôi vợ con.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, khó cũng phải vượt qua, ông Thặng quyết định phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi bò để lấy tiền cho con cái ăn học bằng người. Vượt qua khó khăn cùng với bệnh tật bằng việc làm “không tưởng”, ông tự mình vớt đất từ ruộng đắp lên bờ để trồng cỏ, trồng chuối để làm thức ăn cho bò và heo. Với sự hỗ trợ vốn của gia đình hai bên nội ngoại và tích cóp được từ tiền trợ cấp thương binh nặng hàng tháng, ban đầu gia đình ông Thặng mua 2 bò cái và 1 bò đực về nuôi. Lần lần bò cái đẻ bò con, nếu là bê cái gia đình giữ lại nuôi, cứ thế, cứ thế không lâu sau đàn bò nhà ông Thặng đã phát triển 7 – 8 con bò đẻ và bò thịt.  Tiền bán bò con, bò thịt cộng với heo gà và tiền trợ cấp của Nhà nước đối với thương binh nặng giúp nhà ông Thặng không còn cảnh thiếu trước hụt sau.

Hiện, ông Thặng đang canh tác một vườn bưởi da xanh đang thời kỳ tiền thu hoạch “Việc chăn nuôi giúp gia đình sinh sống ổn định nhưng do cắt cỏ nuôi 7-8 con bò mỗi ngày vất vả quá nên hơn 10 năm trước tôi đã chuyển sang trồng bưởi da xanh. Hiện hộ gia đình tôi đang canh tác 5 công bưởi da xanh với thu nhập mỗi năm hơn trăm triệu đồng; nếu trừ hết các chi phí gia đình tôi cũng “bỏ tiết kiệm” được 70 - 80 triệu đồng/năm”, ông Thặng phấn khởi chia sẻ.

 Ông Thặng chia sẻ: Tôi rất chú trọng đến tương laic ho các con, không quản ngày đêm hai vợ chồng cùng nhau nuôi dạy 3 đứa con ăn học thành tài, con gái lớn của tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm và hiện nay đang công tác tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Con gái thứ hai của tôi học hết lớp 10, nghỉ làm phụ cha mẹ, nay xin vào làm công nhân tại xí nghiệp may trong huyện. Còn cô út nhà tôi mới tốt nghiệp Đại học Tài nguyên môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh. Hai con gái lớn đã lập gia đình, kinh tế ổn định.

Đánh giá về người thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi Hà Văn Thặng, ông Trần Nhật Duật, Công chức Văn hóa - Xã hội, phụ trách LĐ – TB & XH xã Long Bình Điền khẳng định, thương binh nặng Hà Văn Thặng mặc dù mất sức 81% trở lên nhưng luôn vượt qua mọi bệnh tật để vươn lên làm giàu cho chính gia đình và góp phần làm giàu cho quê hương. Nhờ thu nhập cao từ vườn bưởi da xanh, anh Thặng có cuộc sống khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, trở thành “tỷ phú nông thôn”.

 “Anh Thặng luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền nơi cư trú. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên động viên giúp đỡ mọi người trong xóm làng khi họ có nhu cầu học hỏi những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò, chăm sóc vườn bưởi da xanh cho những anh em trong Chi hội Cựu chiến binh ấp để họ nắm rõ hơn về kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế gia đình… thậm chí anh em nào trong Chi hội Cựu chiến binh ấp cần vốn anh sẵn sàng hỗ trợ để phát triển kinh tế”, ông Trần Nhật Duật cho biết.

PHA LÊ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh