Tín hiệu khởi sắc trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
- Tây Y
- 06:01 - 18/10/2023
Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong 9 tháng năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2023 tiếp tục tăng so với quý II và so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong quý III. Tuy nhiên lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế và các giải pháp, chương trình đề án về lao động - việc làm. Các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, được tăng cường. Hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động; hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục được nâng cao.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh cho biết thêm, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760.000 người so với cùng kỳ năm 2022; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776.000 người so với cùng kỳ năm 2022; cơ cấu lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Tính chung 9 tháng năm 2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,07 triệu người, giảm 13,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Về thu nhập bình quân của người lao động, tính chung 9 tháng, thu nhập bình quân của lao động là 7,0 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% (tương ứng tăng 451 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng...
Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tron 9 tháng qua cũng đã vượt chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023, cụ thể, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, đạt 101,37% kế hoạch và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm 2022. Ước cả năm đưa khoảng 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch.
Về lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, Chiến lược phát triển GDNN; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN; Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN. Công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh, nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng trọng của GDNN trong việc hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sự chuyển biến tích cực…
Thực hiện hiệu quả hoạt động chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội
Về chăm sóc người có công với cách mạng, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh thực hiện công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Nhờ đó, công tác thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão và kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đến đúng đối tượng; trong đó, các địa phương đã tặng quà Tết cho trên 1,5 triệu đối tượng với kinh phí hơn 460,6 tỷ đồng; tặng quà dịp 27/7 cho gần 1,4 triệu đối tượng với kinh phí trên 427 tỷ đồng...
Cả nước đã thực hiện điều dưỡng cho khoảng 400.000 lượt người; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 400 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 2.667 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 2.000 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 246 tỷ đồng; tặng 5.507 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 14 tỷ đồng...
Về bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề cương nghiên cứu đề án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi và Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật; xây dựng dự thảo và hồ sơ trình Chính phủ Nghị định về công tác xã hội; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XHđã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.
Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ là trên 27.000 tỷ đồng/năm.
Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm...
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, trong 9 tháng đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động được chú trọng; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm.
Thứ trưởng nhấn mạnh, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; việc làm và thu nhập của người lao động có tăng so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực; chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời.