CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:47

Thúc đẩy bình đẳng giới đi vào cuộc sống

Từ nhận thức về bình đẳng giới

Luật Bình đẳng giới quy định: “Nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó...”. Bình đẳng giới không phải là sự hoán đổi vai trò hay chức năng của nam và nữ; cũng không phải là sự tuyệt đối hóa bằng các con số hoặc tỉ lệ 50/50 giữa nam và nữ. Bình đẳng giới chính là sự công nhận, tôn trọng những điểm tương đồng và khác biệt giữa nam, nữ trong hoạt động chính trị, kinh tế.

Nói đến bình đẳng giới, nghĩa là nam, nữ phải được bình đẳng thực chất trong các khía cạnh bình đẳng về cơ hội. Đó chính là việc cả nam giới và phụ nữ; trẻ em trai và trẻ em gái đều phải được tạo điều kiện phù hợp, có cơ hội như nhau để tham gia đầy đủ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như lao động, học tập, vui chơi, giải trí... mà không gặp phải bất kỳ một rào cản nào dưới hình thức phân biệt đối xử về giới. Ví dụ, trong công tác hướng nghiệp của nhà trường, bình đẳng về cơ hội nghĩa là học sinh nam và học sinh nữ đều phải được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, được hỗ trợ và giúp đỡ để nhận diện được năng lực nghề nghiệp của mình, được tham gia vào các hoạt động hướng nghiệp để trải nghiệm các năng lực nghề nghiệp đó.

Lao động nữ Cty cổ phần Vigracera.

Bình đẳng về quyền là cả nam và nữ đều phải được hưởng các quyền cơ bản như đã ghi trong văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước như quyền được đi học, quyền có việc làm, quyền bầu cử, quyền thừa kế; quyền sở hữu đất đai, quyền được tự quyết định chọn nghề theo nhu cầu của bản thân...

Bình đẳng về vị thế là cả nam và nữ đều có vị thế bình đẳng trong gia đình, ngoài xã hội. Không một giới nào bị lệ thuộc hay áp đặt quyền lực của mình lên giới khác. Ý kiến của cả nam và nữ trong các vấn đề họ quan tâm đều được ghi nhận, coi trọng như nhau.

Bình đẳng về hưởng lợi là cả nam và nữ đều phải được hưởng lợi một cách bình đẳng từ những thành quả của quá trình lao động và phát triển mà không bị bất kỳ một định kiến hay sự phân biệt kỳ thị nào dựa trên cơ sở giới tính.

Vợ chồng đoàn kết làm kinh tế giỏi

Gia đình chị Triệu Thị Minh Hiền, dân tộc Tày ở thôn Sơn Trung, xã Mai Sơn (huyện Lục Yên, Yên Bái) được người dân trong và ngoài xã biết đến bởi vợ chồng hòa thuận, giỏi làm kinh tế. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, học xong chương trình phổ thông, không có điều kiện học lên nữa, chị Hiền quyết định lập gia đình. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khi ra ở riêng rất khó khăn, đặc biệt khi các con ra đời.

Để tìm hướng thoát nghèo, anh chị bàn với nhau kết hợp các thế mạnh của từng người, động viên nhau vượt khó tạo lập cuộc sống gia đình. Năm 2000 chị Hiền mạnh dạn lựa chọn nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, cung cấp phân bón nông nghiệp và thu mua hàng nông sản tại địa phương. Khởi nghiệp kinh doanh, chị may mắn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Sau một thời gian vừa làm, vừa học hỏi, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, Vợ chồng chị Hiền mua 4 ô tô vận chuyển, đầu tư xây dựng nhà kho chứa hàng rộng 500m2 để bảo quản hàng hóa nông sản.

Quá trình kinh doanh mua bán nông sản, chị luôn cân nhắc về giá cả, phương thức thu mua hàng của bà con sao cho phù hợp, linh hoạt, dễ thanh toán. Vì vậy, hàng năm cơ sở kinh doanh của gia đình chị đều đạt kế hoạch thu mua 600 tấn thóc, 300 tấn ngô, tạo điều kiện cho nông hộ bán được sản phẩm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; tạo việc làm thường xuyên cho 7, 8 lao động với mức lương bình quân 5, 6 triệu đồng/người/ tháng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, vốn có tấm lòng nhân ái, hàng năm chị Hiền còn trích một phần lợi nhuận để làm từ thiện ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Người cao tuổi, đồng bào lũ lụt, ủng hộ xây dựng hội trường thôn; chị còn hỗ trợ tạm ứng vật liệu xây dựng cho 6 hộ nghèo, gia đình chính sách có điều kiện để xây dựng nhà ở. Hiện cơ sở kinh doanh tổng hợp của gia đình chị Hiền sau khi trừ đi chi phí, có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Từ mô hình hoạt động kinh tế gia đình chị Hiền cho thấy, nếu xóa bỏ bất bình đẳng và phân biệt đối xử về giới, mỗi người sẽ phát huy được khả năng của mình, kinh tế sẽ phát triển, gia đình hạnh phúc, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới từ chính sách đi vào cuộc sống.       

Tại Diễn đàn chính sách về bình đẳng giới được tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2015, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tiếp tục cam kết cùng nhau hợp tác hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn, nhất là phụ nữ đơn thân, nữ chủ hộ nghèo được tiếp cận các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công nhằm giúp họ áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, bảo đảm sản xuất và kinh doanh có hiệu quả cao.

TRUNG CHÍNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh