THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:27

Lồng ghép bình đẳng giới trong việc làm bền vững

 

Phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước 

Việc làm bền vững bao gồm: Việc làm đầy đủ và năng suất được làm việc với đầy đủ quyền con người, với đúng trình độ cá nhân; bảo đảm các quyền làm việc, được làm việc với các điều kiện chấp nhận được, bình đẳng, có cơ hội phát triển và hoàn thiện các kỹ năng cá nhân; mở rộng an sinh xã hội, việc làm có bảo trợ xã hội, an toàn tại nơi làm việc, hướng tới chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa các rủi ro. Thúc đẩy đối thoại xã hội, việc làm có đối thoại xã hội thông qua tự do hiệp hội, tự do phát ngôn, được tham gia đối thoại cởi mở giữa chính phủ, người sử dụng lao động và công nhân; được tham gia xây dựng các chính sách, chiến lược. Như vậy, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc làm bền vững vừa là mục tiêu, cũng là phương tiện để thực hiện toàn diện và hiệu quả việc làm bền vững cho mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.

Là thành viên của ILO từ năm 1992, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên, trong đó có nghĩa vụ khi phê chuẩn, thực hiện các Công ước và các Khuyến nghị của ILO. Nội dung việc làm bền vững và bình đẳng giới trong các Công ước của ILO đã được tham chiếu, lồng ghép trong qúa trình xây dựng và ban hành các đạo luật như: Bộ luật Lao động năm 1994 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007; Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Dạy nghề năm 2006; Luật BHXH năm 2006, Luật Hợp tác xã năm 2012; Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2006; Luật Công đoàn năm 2012, và gần đây Quốc hội đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015...

Lao động nữ tại Cty cổ phần Vigracera.

Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc làm bền vững và bình đẳng giới; tạo điều kiện, cơ hội và nền tảng để thực thi việc làm bền vững và bình đẳng giới, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong từng thời kỳ và từng bước hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế.

Thúc đẩy qua công tác thanh tra

Tại Luật Bình đẳng giới (Điều 35), nhiệm vụ, chức trách của thanh tra lao động đối với việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới đã được quy định: Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới thực hiện chức năng thanh tra về bình đẳng giới. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra về bình đẳng giới bao gồm: Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo...

Với quy định của Luật bình đẳng giới, thanh tra lao động là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra toàn diện về bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện chức năng giám sát việc tuân thủ pháp luật lao động, thanh tra lao động là một phần của bộ máy quản lý nhà nước về lao động và Thanh tra Chính phủ, là yếu tố quan trọng để phát triển các mối quan hệ lao động và xã hội theo đúng trật tự của chúng.

Đối  với  việc thực thi pháp luật về lao động, thanh tra lao động chịu trách nhiệm về việc thực thi hiệu lực của pháp luật lao động về: Các điều kiện về công việc, bao gồm vấn đề tiền lương, giờ làm việc, chế độ nghỉ phép và thanh toán tiền làm việc ngoài giờ; vấn đề về an toàn và vệ sinh lao động; về thuê lao động trẻ em, phụ nữ và người trẻ tuổi. Đây là những nội dung cốt lõi của việc làm bền vững. Chính thanh tra lao động sẽ là những người đầu tiên phát hiện khía cạnh liên quan đến bất bình đẳng giới, đến phân biệt đối xử về giới,  cũng là người đưa ra các quyết định về hình thức xử phạt nếu cần thiết hoặc các tư vấn và khuyến nghị khắc phục những sai phạm.

Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, thanh tra thực hiện việc thông tin và tư vấn pháp luật cho người sử dụng lao động, người lao động. Nghĩa vụ thông tin và tư vấn pháp luật của thanh tra bao gồm: Giải thích pháp luật; chỉ ra các quy định nào của pháp luật đã được hoặc chưa được thực hiện; giải thích những việc cần làm để tuân thủ quy định của pháp luật...

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thanh tra lao động còn có nhiệm vụ phát hiện những vấn đề mà các quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa giải quyết được. Họ cần phải xác định, mô tả, giải thích và báo cáo những vấn đề này lên cấp trên. Những vấn đề xảy ra mà chưa có quy định điều chỉnh của pháp luật thì được đề cập đến trong các báo cáo thanh tra. Các vấn đề được phát hiện và báo cáo có thể được sử dụng như một cơ sở để điều chỉnh bổ sung các quy định pháp luật. Do đó, thanh tra lao động có một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc thực thi,  tăng cường pháp luật về lao động và xã hội, bao gồm cả vai trò bảo đảm, thực thi bình đẳng giới trong việc làm bền vững.

MINH CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh