Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:43 - 16/12/2015
Tại hội thảo, bên cạnh những thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm hướng dẫn cho các nhân viên làm công tác xã hội những phương pháp làm việc với nam giới gây bạo lực, hội thảo đã tập trung thảo luận vào các nội dung như kỹ năng làm việc cho nhân viên làm công tác xã hội với nam giới gây bạo lực; cách hỗ trợ nam giới gây bạo lực khi họ đang gặp khó khăn; hỗ trợ nam giới gây bạo lực biết cách nhận thức và điều chỉnh hành vi bạo lực góp phần hạn chế và tiến tới chấm dứt các hành vi bạo lực.
Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (ảnh minh họa)
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, Bạo lực trên cơ sở giới và đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề mang tính toàn cầu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, của lãnh đạo các quốc gia bởi hành vi bạo lực được xem là một trong những vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Theo các đại biểu, những năm qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận, quá trình thực thi chính sách, pháp luật cho thấy còn những rào cản làm hạn chế hiệu quả công tác bình đẳng giới; công tác phối hợp liên ngành giám sát và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới trên cơ sở giới chưa thực sự hiệu quả; năng lực và kinh nghiệm về quản lý, ứng phó với bạo lực của một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các chương trình phòng ngừa về bạo lực, hiện nay hầu như mới chỉ thu hút sự tham gia của phụ nữ, mà chưa huy động được nhiều sự tham gia của nam giới. Đây là chính là nguyên nhân dẫn đến hạn chế hiệu quả công tác, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong khi đó, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành về thể xác hoặc tình dục; 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo hành về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời. Đây mới chỉ là các con số thống kê về bạo lực với phụ nữ trong gia đình, trong khi đó phụ nữ và trẻ em gái có thể chịu các dạng bạo lực ở nhiều môi trường khác nhau, vì thế tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực trong thực tế sẽ cao hơn nhiều.