Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới trong thu nhập
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:18 - 17/12/2015
Mức độ bất BĐG ngày càng giảm
Theo Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) LĐ nam và nữ có quyền hưởng thù lao như nhau. Điều đó có nghĩa là: Mọi LĐ được hưởng mức thù lao như nhau.
Trên thực tế, sự chênh lệch về thu nhập giữa LĐ nam và nữ là rất phổ biến. Tình trạng chênh lệch diễn ra ở cả các nước phát triển, có mức thu nhập bình quân cao (ví dụ có thời điểm ở Đức sự chênh lệch đã lên tới 40%, Mỹ là 30%); các nước có mức trung bình (như Thái Lan, Malaysia có thời điểm là 30%, Mexico là 20%, Ấn độ: 40%).
Ở Việt Nam, mức độ bất BĐG, xét một cách tổng thể, có xu hướng giảm - năm 2000 chỉ số bất BĐG là 0,350; giảm xuống 0,315 năm 2005 và năm 2014 là khoảng 0,280. Nhiều chỉ số khác phản ánh mức độ cải thiện đáng kể về BĐG, thậm chí nhiều chỉ số phản ánh sự “vượt trội” của phụ nữ so với nam giới - tỷ lệ chết bà mẹ giảm liên tục, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tăng và đạt ở mức cao – cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới (73% năm 2014 tăng 7 điểm % so với 2006), tỷ lệ lao động nữ có việc làm cao, tỷ lệ nữ làm công hưởng lương tăng; tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ thấp và không khác biệt so với nam; tỷ lệ nhập học của trẻ em gái ở các cấp phổ thông và đại học tăng rất nhanh; tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh tăng liên tục trong mấy nhiệm kỳ gần đây; mức tăng tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao (đạt 75,6 năm 2014...
Phụ nữ đã và đang đóng góp tích cực vào hoạt động KT-XH. Ảnh: Trần Việt
Tình trạng chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ đã giảm. Nếu tính mức độ chênh lệch bằng tỷ lệ thu nhập bình quân năm của LĐ nam so với LĐ nữ năm 2004 là: 112,9% - có nghĩa là thu nhập bình quân của LĐ nam cao hơn 12,9%; giảm xuống 106,7% năm 2014. Điều đáng mừng là tỷ lệ này giảm xuống trong bối cảnh thu nhập của nam và nữ đều tăng. Như vậy có nghĩa là mức tăng thu nhập bình quân của LĐ nữ nhanh hơn so với nam. Có thể đánh giá đây là những thành quả đáng ghi nhận, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các tiến bộ về BĐG nói chung và BĐG trong lĩnh vực LĐ việc làm nói riêng.
Định kiến giới dẫn đến sự phân biệt
Phân tích các số liệu thống kê mấy năm gần đây cho thấy thu nhập bình quân của LĐ nữ thấp hơn nam ở gần như tất cả các nhóm trình độ: Không có bằng cấp, tiểu học, THCS, THPT, công nhân kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp, đại học và trên đại học.
Tình trạng này cũng tương tự khi xem xét theo các nhóm hoạt động nghề nghiệp: Nông và lâm nghiệp, khai thác mỏ, chế biến, xây dựng, thương nghiệp và sửa chữa; sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt; khách sạn, nhà hàng; tài chính, tín dụng; khoa học và giáo dục; văn hóa và thể thao; kể cả hoạt động làm thuê trong gia đình... Như vậy có thể hiểu mức độ bất BĐG về thu nhập ở Việt Nam không lớn (so với nhiều nước khác) nhưng rõ ràng là sự bất bình đẳng này đang là hiện tượng phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là những quan điểm và tư tưởng định kiến giới trong xã hội về vai trò, vị trí, năng lực, nghề nghiệp,... dẫn đến sự phân biệt và khác biệt giữa nam và nữ trong việc định hướng và đầu tư giáo dục, định hướng phát triển bản thân, định hướng và phát triển nghề nghiệp, tuyển dụng và bố trí lao động; xác định mức lương;... Thứ hai, là do những khác biệt về giới tính dẫn đến những sự khác biệt về thời gian làm việc, tính chất công việc (gián đoạn việc làm do thai sản, do vấn đề sức khỏe thể chất, sở thích, khả năng chấp nhận rủi ro,...). Thứ ba, những hạn chế thực tế của phụ nữ so với nam về trình độ giáo dục, nhất là trình độ chuyên môn kỹ thuật,...
BĐG về thu nhập vừa là vấn đề liên quan đến quyền con người vừa là một yêu cầu của phát triển công bằng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực. Do đó, tìm kiếm và thực hiện các giải pháp thúc đẩy BĐG về thu nhập không chỉ là tạo động lực tăng trưởng mà còn ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội.