CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:46

Thừa Thiên Huế tìm cách gỡ khó cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Thừa Thiên Huế: Gỡ khó cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên - Ảnh 1.

Trung tâm GDNN - GDTX thực hiện song song nhiệm vụ dạy nghề và đào tạo văn hoá cho học sinh

Theo Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 4 năm thực hiện đề án sát nhập các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm GDTX, Trung tâm dạy nghề để thành lập Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, đến nay các Trung tâm cơ bản đã ổn định về tổ chức, hoạt động dần đi vào nề nếp. Các Trung tâm đã chủ động và tích cực khảo sát, nắm bắt nhu cầu người dân trên địa bàn và nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện công tác tuyển sinh các lớp phù hợp. Song song đào tạo văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề được Trung tâm tích cực triển khai.

Ông Nguyễn Đình Long, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Điền cho biết, từ khi thực hiện đề án sát nhập đến nay, Trung tâm đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác Giáo dục thường xuyên càng ngày càng phát triển; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Điền cũng đã giảm cơ cấu tổ chức, tận dụng được đội ngũ giáo viên, phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhiều khó khăn, tồn tại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tuyển sinh và cơ sở vật chất. Mức độ đáp ứng của các trang thiết bị giảng dạy còn nhiều hạn chế, chỉ từ 50% cho đến 85%. Các phòng thực hành nghề còn thiếu; một số nơi có thư viện nhưng không đạt chuẩn.

Vì vậy, nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay tại các Trung tâm GDNN – GDTX là hết sức bức thiết. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh nhằm thực hiện đúng định hướng phân luồng học sinh phổ thông gắn với đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN cũng được đặt ra.

Mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các Trung tâm GDNN - GDTX tại Thừa Thiên Huế kiến nghị cần có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên GDNN để giáo viên có đủ điều kiện thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, cần tăng định mức chi thường xuyên cho Trung tâm GDNN – GDTX,… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên nhân viên thực hiện trong công tác đào tạo nghề ở các cơ sở đào tạo nghề…

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, để nâng cao chất lượng đào tạo tại các các cơ sở GDNN nói chung, Trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện nói riêng, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, phù hợp với cơ cấu, trình độ và số lượng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và xã hội, trong đó bám sát vào các ngành nghề lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Sở cũng sẽ chủ trì, phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề về kết nối đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời xây dựng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo lao động.

Ông Phan Thành Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để hoạt động đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông phát huy hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, ngoài tuân thủ các văn bản, quy định của Nhà nước, các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành cần quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn kinh phí hàng năm để các Trung tâm GDNN - GDTX hoạt động. Các Sở, ban ngành cần nghiên cứu, thống nhất tham mưu chính sách áp dụng chế độ tiền lương, vị trí việc làm, tiêu chuẩn vị trí lãnh đạo đảm bảo quyền lợi và sự đồng nhất giữa các giáo viên tại các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Ông Bình cũng cho rằng, các Trung tâm GDNN - GDTX cần phát huy vai trò chủ thể, có những giải pháp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề. Các Trung tâm cần rà soát, đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị mình; căn cứ tình hình thực tế của địa phương về công tác đào tạo, dạy nghề để có hướng đầu tư, chuẩn hóa cũng như đổi mới phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, giảng dạy phù hợp. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh liên kết với các trường đào tạo nghề, doanh nghiệp để cùng phối hợp nâng cao hiệu quả, phong phú ngành nghề trong dạy nghề phổ thông cũng như đào tạo nghề cho lao động xã hội, giải quyết việc làm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các Sở ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ khung quy chế phối hợp cấp tỉnh giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác tổ chức, quản lý chuyên môn đối với các Trung tâm GDNN - GDTX.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh