CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:34

ĐB Quốc hội: Bao giờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thực hiện lời hứa có Thông tư, "gỡ khó" cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp?

Đại biểu QH: Bao giờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thực hiện lời hứa sớm có Thông tư, "gỡ khó" cho các cơ sở GDNN  - Ảnh 1.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Lý do gì mà thông tư chưa được ban hành?

Ngày 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đặt vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) bức xúc về việc Bộ trưởng Nhạ đến nay chưa thực hiện lời hứa từ kỳ họp 9 vấn đề đại biểu nêu về việc học văn hóa trong các trường nghề, luật đã ban hành mà Bộ GD&ĐT vẫn đang gây khó khăn.

Cụ thể, đại biểu chỉ rõ, việc quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và giảng dạy khối lượng kiến thức này trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Vậy nhưng, đại biểu Dung nhấn mạnh, cho đến nay Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực thi hành 5 năm, "và tại kỳ họp 9 tôi đã chất vấn đề này với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có hứa là tháng 9/2020 sẽ ban hành để kịp đưa vào thực hiện trong năm học 2020 – 2021", đại biểu nhắc lại.

"Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa thấy tín hiệu Bộ trưởng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn này. Tôi xin hỏi Bộ trưởng là lý do gì mà thông tư này chưa được ban hành? Và bao giờ Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa của mình?", đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung gay gắt.

Bộ GD&ĐT ra văn bản cấm cơ sở Giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa, gây khó khăn

Chưa dừng lại, đại biểu tiếp tục bức xúc: "Vấn đề thứ hai, việc Bộ GD&ĐT ban hành văn bản cấm các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tại gần 400 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gây khó khăn cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và học sinh", vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm rõ nội dung này.

Đại biểu QH: Bao giờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thực hiện lời hứa sớm có Thông tư, "gỡ khó" cho các cơ sở GDNN  - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình)

Giải trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các Ban soạn thảo để tính toán khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, dạy trong trường nghề như thế nào là phù hợp.

Và trong quá trình chuẩn bị Thông tư thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường nghề vẫn dạy theo chương trình theo quy định.

Ông Nhạ lý giải, phía Bộ GD&ĐT đã theo Luật Giáo dục năm 2019, có quy định: "Các trường nghề được dạy khối lượng văn hóa do Bộ GD&ĐT quy định", đã lấy ý kiến và trực tiếp làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thảo luận vấn đề này, đến nay làm xong dự thảo thông tư, cố gắng cuối năm 2020 có thể ra được.

"Bởi vì, còn nhiều những nội dung đối chiếu lẫn các chương trình với nhau, tránh tình trạng chồng lấn giữa trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dạy nghề, để khi ban hành ra mạch lạc, không bị chồng chéo", lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải thích thêm.

Điểm thứ hai, về công văn, ông Nhạ cho biết, xét thấy trong quá trình chuẩn bị chưa ban hành được thông tư mới, nên đã có một công văn trả lời Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội (số 4656 ngày 2/11), trước mắt đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội là "các trường nghề vẫn tiếp tục dạy cho đến khi có văn bản mới".

"Như vậy, hiện nay Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đã phối hợp với nhau để sớm ban hành thông tư này, cố gắng khi ban hành thông tư phải khả thi và thực tế", ông Nhạ phân trần.

Bất cập: Sáng học nghề, chiều phải tới trung tâm giáo dục thường xuyên để học

Tiếp tục đến phiên chất vấn chiều cùng ngày, chưa thấy thỏa đáng về giải trình của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tiếp tục gay gắt: "Tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng GD&ĐT. Tôi cũng rất hy vọng Bộ trưởng sẽ ban hành sớm thông tư để tháo gỡ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp".

Đại biểu thẳng thắn, Bộ trưởng cũng có nói là Bộ trưởng đã gửi văn bản để đồng ý với Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

"Tuy nhiên, ở đây Bộ trưởng không đề cập đến việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà tháng 6/2019 Bộ GD&ĐT có ban hành Văn bản số 2672 là "không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tiếp tục được giảng dạy nữa". Mà chương trình giáo dục thường xuyên phải đưa về phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên", đại biểu Thu Dung nêu rõ sự bất cập này.

Điều này, theo đại biểu đoàn Thái Bình, đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và khó khăn cho học sinh. "Sáng thì học nghề, chiều thì tới các trung tâm giáo dục thường xuyên để học. Đi lại rất xa và rất khó khăn", đại biểu bày tỏ bất bình.

"Việc ban hành văn bản này đúng hay sai? Và Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tiếp tục được giảng dạy và tháo gỡ khó khăn cho học sinh hiện nay, trong khi có rất nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên lại không đủ điều kiện để giảng dạy chương trình này", bà Thu Dung nêu câu hỏi, đề nghị Bộ trưởng trả lời.

Giải đáp chất vấn này của đại biểu, ông Nhạ nói "sáng nay tôi đã trả lời".

Ông Nhạ tiếp tục nêu, khối lượng kiến thức trung học phổ thông dạy cho các em tốt nghiệp trung học cơ sở đang theo học chương trình trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, với khối lượng kiến thức này theo Luật năm 2019 có những điều khác nhau.

Xét thấy để đảm bảo chất lượng cũng như yêu cầu của Luật năm 2019, ông Nhạ cho biết, đã có văn bản 4066 ngày 16/10 yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp điều chỉnh và phối hợp thường xuyên này.

Tuy nhiên, sau thời gian xem xét thông tư ban hành theo luật mới và chưa ban hành được, ông Nhạ cho biết đã làm việc với Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội và Bộ đã có văn bản đề nghị, và chúng tôi có thống nhất.

"Trong giai đoạn chờ đợi ban hành thông tư mới thì Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tạo điều kiện giảng dạy cho học sinh trường này", ông Nhạ nói. 

Và một lần nữa - như kỳ họp 9 Bộ trưởng Nhạ đã hứa -, kỳ họp 10 này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục... hứa: "Xin cam kết với đại biểu Dung là chúng tôi sẽ làm nhanh Thông tư này để giải quyết được nhu cầu của các trường nghề dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT". 

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, trước kiến nghị của đại biểu từ thực tiễn, Bộ trưởng GD&ĐT nên đẩy nhanh việc ban hành Thông tư, giải quyết các vướng mắc để các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và học sinh không gặp khó khăn, trở ngại trong giảng dạy và học tập.

Thanh Nhung - (Ảnh: Mạnh Dũng)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh