Thừa Thiên Huế bảo đảm đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
- Dược liệu
- 07:43 - 10/01/2024
- Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung triển khai hiệu quả các chương trình trọng điểm năm 2024
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo góp phần đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương
- Doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế thưởng tết cao nhất 150 triệu đồng
- Thừa Thiên Huế hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo
Theo báo cáo Hội nghị, năm 2023, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận mới 60 người tâm thần vào nuôi dưỡng phối hợp điều trị. Số đối tượng giảm trong năm là 23 người do tái hoà nhập cộng đồng, tử vong, già yếu và thanh lý hợp đồng dịch vụ. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số người tâm thần đang nuôi dưỡng, quản lý tại Trung tâm là 523 người.
Trong năm, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cai nghiện ma tuý cho 87 học viên, trong đó tiếp nhận mới 43 học viên cai nghiện ma tuý bắt buộc; có 36 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện và đã tái hoà nhập cộng đồng; 1 học viên cai nghiện ma tuý bắt buộc chấp hành án tù. Tính đến cuối năm 2023, đơn vị đang quản lý 50 học viên cai nghiện ma tuý bắt buộc.
Các đối tượng được chăm sóc, điều trị, phục vụ, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng theo đúng quy định. Đơn vị đã tổ chức thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chú trọng đến chất lượng bữa ăn, thay đổi món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma tuý được Trung tâm tổ chức thực hiện thường xuyên. Năm 2023, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề: may công nghiệp, đan ghế, đan lưới, thêu nón, làm nghề hàng mã, làm hương, chăn nuôi, làm nấm, giá đỗ, khuôn đậu. Thông qua hoạt động này vừa tạo niềm vui, nâng cao sức khoẻ cũng như tạo việc làm cho gần 300 người tâm thần và học viên cai nghiện ma tuý.
Trung tâm cũng lựa chọn một số lượng lớn người khuyết tật thần kinh tham gia lao động trị liệu với các công việc đơn giản, nhẹ nhàng, tạo nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ. Quá trình tham gia học nghề, lao động trị liệu còn giúp bệnh tình của đối tượng thuyên giảm.
Ông Ngô Duy Bình – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm vừa qua, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động thuộc đơn vị đã nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trung tâm luôn chú trọng đến công tác nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động; cử viên chức, người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ.
Kết quả, trong năm 2023, có 1 cá nhân thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; tập thể Trung tâm được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Tập thể Lao động xuất sắc; 1 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 70 cá nhân được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, 7 cá nhân được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Năm 2024, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tiếp nhận người tâm thần và học viên cai nghiện ma tuý theo quy định và đúng quy trình; trong đó, chỉ tiêu mà ngành LĐ-TB&XH tỉnh đặt ra là tiếp nhận 60 người cai nghiện ma túy bắt buộc vào Trung tâm.