CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:29

Thu hồi giấy báo tử đối với 'liệt sĩ' trở về sau 33 năm

Theo Báo Người Lao Động, ông Phan Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), cho biết: "Khoảng 14 giờ chiều nay, Bộ CHQS, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ và UBND huyện Thới Lai cùng xã đã đến nhà bà Huỳnh Thị Nía để trao quyết định thu hồi giấy báo tử đối với ông Trương Văn Chóng".

Qua xác minh của Bộ CHQS, ông Trương Văn Chóng (SN 1965, nguyên quán ấp Định Hoà, xã Định Môn, huyện Ô Môn, tỉnh Hậu Giang; nay là xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) nhập ngũ đợt 1 năm 1983. Đơn vị đầu tiên nhập ngũ là Sư đoàn 868 (huấn luyện chiến sĩ mới) tại Đồng Tâm, Tiền Giang. Sau 2 tháng được biên chế cho Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 5, Quân khu 7, đóng quân tại Campuchia, cấp bậc binh nhất, chức vụ chiến sĩ.

Theo giấy báo tử ghi, ông Trương Văn Chóng hy sinh năm 1985, giấy báo tử do Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang ký ngày 3-9-1991 và được công nhận là liệt sĩ thuộc diện mất tin, mất tích. Cơ quan chức năng đã cấp bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-5-1993, người nhận trợ cấp hàng tháng là mẹ ruột Huỳnh Thị Nía.

 

Ông Trương Văn Chóng (ảnh: NLĐ)

Trước khi nhập ngũ, ông Chóng có vợ và 1 con trai, hiện vẫn đang sinh sống tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai. Bà này đã có chồng khác. Bộ CHQS TP đã xác minh và làm việc với ông Chóng cùng cơ quan đơn vị địa phương và được biết: Trong lúc làm nhiệm vụ trên nước bạn, ông Chóng bị thương và thất lạc đơn vị, được người dân Campuchia nuôi dưỡng (ông Chóng không nhớ rõ thời gian, địa điểm, tên người nuôi dưỡng).

Sau đó, ông Chóng đã lập gia đình với người phụ nữ Khmer nhưng không có con. Thời gian sau ông bỏ đi Biển Hồ sinh sống, có vợ khác và có được 3 người con. Đến năm 2011, ông Chóng đưa vợ con về sống tại tổ 2, ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho đến nay và đăng ký tại đây với một cái tên khác là Nguyễn Văn Tâm, ngoài ra ông không còn giấy tờ tùy thân nào. Lý do ông Chóng không trở lại đơn vị sau khi bị thất lạc là vì lúc đó bị thương ở trong Phum của người Khmer, trong khi lính Pol Pot luôn đi tìm giết nên sợ không dám xuất hiện, và không biết đơn vị ở đâu nên không trở lại được.

Đến năm 2017, có người dân quê ở Ô Môn tên Phước lên làm thuê ở Tây Ninh, ông Chóng đã gặp người này, qua trò chuyện, ông Chóng đã tìm được thông tin về người thân của mình, nhưng không có tiền để về. Trước Tết 2018, ông Chóng trúng 2 tờ vé số được 12 triệu đồng nên quyết tâm về quê thăm gia đình vào ngày 19-2 (tức mùng 4 Tết Mậu Tuất).

Ông Chóng và mẹ ngày trở về (ảnh: Tuổi trẻ)

Qua rà soát, trích lục hồ sơ tại các đơn vị quản lý ông Chóng trước đây đều không có tên Trương Văn Chóng trong danh sách báo tin từ trần, mất tích cũng như danh sách do quân lực của các đơn vị quản lý. Tuy nhiên bà Nía và gia đình xác nhận ông Chóng là con ruột.

Sau đó, Bộ CHQS TP Cần Thơ đã có công văn đề nghị UBND TP Cần Thơ và UBND huyện Thới Lai xác minh trường hợp ông Trương Văn Chóng. Qua xác minh của Công an TP Cần Thơ, kết luận người tự xưng tên Trương Văn Chóng với ông Chóng trong hồ sơ liệt sĩ là 1 người.

Từ kết quả xác minh của cơ quan chức năng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi giấy báo tử đối với ông Chóng và có công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành các thủ tục, quy trình để thu hồi bằng Tổ quốc ghi công.

Báo Tuổi Trẻ Online cũng cho biết đã trao đổi với ông Trần Thanh Lam – Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Cần Thơ và được biết sau khi Bộ Chỉ huy quân sự có quyết định thu hồi giấy báo tử của ông Chóng, Sở đã có quyết định ngưng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với mẹ ông Chóng từ tháng 6.2018. 

Sở cũng xin ý kiến Cục Người có công thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội về việc thu hồi bằng Tổ quốc ghi công đối với ông Trương Văn Chóng.

Lê Hoàng (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh