Liệt sĩ trở về sau 33 năm nhờ tấm vé số
- Người có công
- 15:49 - 05/03/2018
Bữa cơm ngày đoàn viên.
Hành trình trở về
Hàng trăm người đã đến thăm ông tại ngôi nhà mẹ ruột - bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi, ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) trong những ngày đầu xuân.
Ông Chóng kể về hành trình tìm về quê hương sau 33 năm xa cách: “Tôi không ngờ mình có thể trở về lại quê nhà trong dịp Tết này. Trước đó, vào ngày 29 (tháng chạp) tôi nói với vợ tôi là làm sao để Tết này có thể về quê được mà nhà mình thì eo hẹp quá. Rồi tôi nằm trằn trọc hoài, lát sau có người bán vé số đi ngang tôi kêu vào mua vài tờ thử vận may, ban đầu định mua số 29 nhưng mà không có nên tôi mua đại 4 vé số 19, ai ngờ trúng được giải 4 (12 triệu đồng), tôi cho vợ 7 triệu, còn 5 triệu tôi làm lộ phí tìm về quê”.
Khoảng 16 giờ ngày mùng 5 Tết, ông Chóng bắt xe đò từ Tây Ninh về Cần Thơ và không quên mang theo chiếc xe máy cũ kĩ để làm phương tiện đi lại. Vợ ông khuyên nên đợi sáng sớm hãy đi vì không biết có tìm được nhà hay không, mà bản thân ông Chóng từ khi ở chiến trường về không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào sợ không thuê được chỗ nghỉ. Nhưng lòng mong muốn được trở về đã thôi thúc ông quyết tâm phải về ngay khi có thể.
Đến bến xe Ô Môn, lúc này đã gần 0 giờ, đường vắng, cảnh vật xung quanh hoàn toàn xa lạ đối với một người con xa xứ hơn 30 năm trời.
Gặp được một số người đang ngồi nhậu bên đường, ông Chóng bước tới hỏi: “Có biết nhà ông Tư Cao không?” (tên anh ruột ông Chóng và ông chỉ nhớ mỗi tên người này) nhưng rất may một trong số những người ngồi đây là bà con với gia đình ông và ông được người này chỉ đường.
Trời tối om, nhà thì san sát nhau nên ông Chóng không biết đâu là nhà của ông Tư Cao nên ông vừa chạy vừa kêu “Anh Tư Cao ơi, anh Tư Cao ơi…”.
Do đêm khuya, tưởng những người say xỉn đến quậy phá nên ông Tám (một người hàng xóm với ông Tư Cao) bước ra đuổi về. Thấy vậy, ông Chóng liền giải thích: “Tôi là em của ông Tư Cao”.
Lúc này, ông Tư Cao và bà Nía nghe tiếng om sòm trước nhà nên bước ra xem. “Một người đàn ông nước da ngăm đen, nhìn tôi gọi “Anh Tư Cao, anh Tư Cao…”, nghe tiếng thì quen nhưng chưa kịp nhận ra là ai nhưng tôi có linh cảm là thằng em của tôi nên tôi kêu đại “Phải chú Sáu không?””, ông Trương Văn Cao (Tư Cao) kể lại.
Lúc đó, người anh thứ hai là ông Trương Văn Lực (67 tuổi) cũng chạy ra xem và nhìn thấy vết sẹo trên tay do lưỡi hái cắt trúng khi đi gặt lúa năm xưa nên ông Lực nhận ra em ruột của mình và la lên “Thằng Chóng phải không bây?” rồi ba anh em ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
Khi thấy bà Nía, ông Chóng liền chạy lại nói: “Con là thằng Chóng nè má ơi”. “Tôi như chết đứng chỉ biết đứng nhìn một người đàn ông gần 60 tuổi khác xa với di ảnh trên bàn thờ là thằng thanh niên. Tôi không tin thằng con tôi còn sống và đang ở trước mặt tôi bằng xương bằng thịt, vì 33 năm trước người ta đã báo con tôi hy sinh ngoài chiến trường. Sau đó, tôi dẫn nó vào bàn thờ, rồi nó tự đập bát hương và lấy di ảnh xuống”, bà Nía xúc động kể.
Tháng ngày lưu lạc
Rất nhiều câu hỏi thắc mắc rằng tại sao ông Chóng còn sống mà không tìm về quê hương. Ông Chóng kể: “Trong trận chiến đấu ác liệt với quân Khmer Đỏ, đồng đội chúng tôi bị phản công phải chạy vào rừng. Khi đó, tôi bị thương nặng ngất xỉu, rồi được một người phụ nữ bản địa cứu sống nhưng tôi không còn nhớ gì về quá khứ, không nhớ họ tên, quê quán. Chỉ biết mình là người Việt từng bị thương do chiến tranh và hiện tại đang sống trên đất Campuchia”.
Ông Chóng cho biết thêm, khi bình phục lại ông được đặt cho cái tên là Nguyễn Văn Tâm, rồi nên duyên vợ chồng với người này, nhưng không có con. Do sống cảnh tha phương nơi đất khách quê người, bất đồng ngôn ngữ, ông bỏ đi dò hỏi đường về quê.
Bôn ba xuống Biển Hồ (nơi có nhiều người Việt sinh sống). Cũng tại đây, ông gặp một người phụ nữ Việt kiều quê ở Tây Ninh và lấy người này làm vợ.
Sau khi về Tây Ninh, cuộc sống của ông Chóng rất vất vả, hằng ngày vợ chồng ông đi lượm mủ cao su, còn mấy đứa con cũng đi làm thuê làm mướn: “Vết thương cũ do chiến tranh, cộng thêm căn bệnh tai biến khiến tôi không lao động nặng được. Chính vì vậy, dù muốn về nhưng không có tiền để về”, ông Chóng chia sẻ.
Ngồi cạnh ông Chóng, bà Nía lấy cho phóng viên xem 3 bức thư viết ngày 1/3/1983, 10/10/1983, 12/1/1984 từ phum Tà Rong, tỉnh Battambang, Campuchia đã vàng ố, cũ kĩ, trên đó là những dòng chữ nguệch ngoạc, phai màu được giữ cẩn thận. Đó là những bức thư mà năm xưa ông Chóng nhờ bạn viết vội nơi chiến trường để gửi về quê nhà vì ông không biết chữ.
Ngày chiến thắng trở về 1991, trong khi các gia đình khác hân hoan vui mừng chào đón người thân trở về thì bà Nía lại nước mắt ngắn dài nhận giấy báo tử của con trai. Không tin con đã chết, bà Nía lần theo địa chỉ ghi trên thư hai lần khăn gói sang xứ người tìm con nhưng vô vọng nên bà quay về dựa theo ngày ghi trên giấy báo tử mà làm đám giỗ cho con.
“Đã 33 cái đám giỗ, không ngờ hôm nay nó trở về lành lặn, thiệt không gì hạnh phúc bằng. Người ta nói sẽ thu lại bằng Tổ quốc ghi công của con tôi và sẽ cấp lại giấy báo công để con tui hưởng chế độ. Đồng thời đề nghị con tôi đi khám sức khỏe lại.Vài bữa nữa, cắt lúa xong tôi thu xếp để cùng thằng Sáu về Tây Nam một chuyến cho biết”, bà Nía chia sẻ.
Cha ra đi khi anh Trương Vũ Nam mới chập chững biết đi. Nay đã là một người đàn ông 38 tuổi, anh Nam mới biết mặt cha, anh vui mừng cho biết: “Từ nhỏ thấy bạn bè cùng trang lứa có cha, có mẹ tôi cũng ước ao mình có cha. Giờ cha tôi đã trở về, tôi rất vui sướng, hạnh phúc”.
Ông Chóng tên đầy đủ là Trương Văn Chóng (SN 1965), là người con thứ 6 của cụ Huỳnh Thị Nía. Năm 1983, ông Chóng tham gia bộ đội chiến đấu tại chiến trường Campuchia, hy sinh năm 1985 và được công nhận là liệt sĩ năm 1993. |