THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:23

Thống nhất cao với phương án tăng tuổi nghỉ hưu do Chính phủ trình

Tại phiên họp, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý hầu hết các nội dung lớn, cơ bản của dự thảo Bộ luật, còn 3 vấn đề tiếp tục được đưa ra xin ý kiến UBTVQH gồm:

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa: kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Dù vậy, theo phản ánh của Cơ quan soạn thảo Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề xuất hai phương án:

Phương án 1: giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.

Phương án 2: quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Về tuổi nghỉ hưu, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, đa số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong các ý kiến đồng tình vẫn còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động nên Ủy ban về các vấn đề Xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án về để xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1: Phương án quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình.

Phương án 2: là phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi. Theo đó, Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp. Một số nội dung Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và làm rõ trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: nguyên tắc về quản lý tài chính; thu phí thành viên; xử lý mối quan hệ về kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; việc người lao động được quyền tham gia một hay nhiều tổ chức đại diện cho mình; xác định mức độ đại diện của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các tổ chức của người lao động liên quan đến quyền thương lượng tập thể; cơ chế thực hiện các quy định về tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu ở đó có hơn một tổ chức của người lao động khi ban hành nội quy, mức lao động, thang lương, bảng lương...

Thống nhất cao với phương án tăng tuổi nghỉ hưu do Chính phủ trình - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ tịnh tiến và rất thận trọng, sẽ không gây nhiều biến động

Thảo luận tại phiên họp, về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, các ý kiến thảo luận đều nghiêng về phương án mà Chính phủ đưa ra. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm. Phương án 1 linh động hơn, nhưng phương án 2 có lộ trình rõ ràng, mạch lạc, người lao động cũng có thể từ đó xây dựng kế hoạch cho đến lúc nghỉ hưu cho mình.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, ông nhất trí với phương án mà Chính phủ trình bởi phương án này có lộ trình tăng tuổi hưu tịnh tiến và rất thận trọng. Với lộ trình này sẽ không có nhiều biến động và có thời gian cụ thể nên cũng sẽ đánh giá được tác động. Còn nếu giao Chính phủ quy định như đề xuất của Ủy ban về các vấn đề xã hội thì sẽ còn phức tạp hơn, rất khó thống kê được về lao động và nảy sinh nhiều vấn đề không lường trước được.

Thống nhất cao với phương án tăng tuổi nghỉ hưu do Chính phủ trình - Ảnh 2.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ rõ ràng, mạch lạc, người lao động có thể xây dựng kế hoạch nghỉ hưu cho mình

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, ông cho biết, khi tiếp xúc cử tri nhiều người vẫn băn khoăn về ngành nghề nào thì nghỉ hưu ở độ tuổi nào nên Chính phủ cần sớm bổ sung danh mục cụ thể.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà nghiêng về phương án Chính phủ trình vì phương án này rõ ràng hơn và cũng đã có báo cáo đánh giá tác động. Người lao động cũng xác định được khi nào họ về hưu, rồi phương án này còn liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ... Do vậy, về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thiết kế lại theo hướng: Phương án Chính phủ trình chuyển thành phương án 1, còn đề xuất giao Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ chuyển thành Phương án 2.

Tại sao các nước giàu người ta vẫn làm việc quần quật?

Liên quan đến vấn đề giờ làm thêm, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, liên quan đến năng suất lao động thì không chỉ dựa vào sức người mà dựa vào đổi mới công nghệ. Vì vậy, nếu Quốc hội không cho phép tăng giờ làm thêm thì Doanh nghiệp sẽ phải đổi mới công nghệ, đưa công nghệ hiện đại sản xuất. Còn nếu cho phép, doanh nghiệp sẽ dùng đến sức người, sẽ rất vất vả cho người lo động nhất là phụ nữ. "Quan điểm của tôi là không nên tăng mà  giữ nguyên như hiện hành để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian và sức khỏe tái sản xuất sức lao động", ông Phúc nói.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mặc dù hai bên đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động còn có ý kiến khác nhau nhưng chúng ta phải xem xét thực trạng. Thực tiễn lao động làm quá 300h là có thật nhưng không vì thế mà chúng ta đưa lên 400 hay 500 giờ. "Tuy nhiên, nếu người lao động làm thêm giờ mà lương cao hơn, và tái tạo sức khỏe tốt hơn thì Quốc hội sẽ ủng hộ. Tôi đề xuất chúng ta nên lấy thêm ý kiến các đoàn đại biểu ở địa phương , nhóm đại biểu là doanh nghiệp, nhóm đại biểu làm quản lý có liên quan đến lao động và sử dụng lao động.", ông Giàu nói.

Thống nhất cao với phương án tăng tuổi nghỉ hưu do Chính phủ trình - Ảnh 4.

Chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội nói: "Nếu người lao động làm thêm giờ mà lương cao hơn, và tái tạo sức khỏe tốt hơn thì Quốc hội sẽ ủng hộ".

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lại có góc nhìn khác khi  đặt câu hỏi "không hiểu sao Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển cao như vậy mà trẻ con vẫn học thêm rất nhiều,  người lao đông vẫn làm nhiều hơn ở ta, họ thậm chí làm đến 9-10 h đêm chưa về nhà".

 "Ở những nước này, nếu một người đàn ông về nhà sớm vợ sẽ hỏi vì sao về sớm thế. Họ thu nhập cao và có mức sống cao như vậy, không ai ép họ làm việc nhưng họ vẫn làm việc quần quật. Họ tiến rất nhanh nhưng họ hoàn toàn không hài lòng với những gì họ đã đạt được", ông Dũng nói.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng cho rằng chúng ta phải thắt lưng buộc bụng trong 5-7 năm nữa, cả nước đồng lòng làm việc "kiệt sức", bằng hết khả năng để đạt được những mục tiêu mà chiến lược phát triển đã đặt ra. Sau khi đạt được một mốc nhất định sẽ quay trở về xu thế chung.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mặc dù đa số  ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không muốn tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, do Chính phủ "tha thiết" phương án tăng giờ làm thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả người lao động và người sử dụng lao động nên bà đề nghị trình cả 2 phương án ra Quốc hội để xin ý kiến.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh