CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

“Tăng tuổi nghỉ hưu không phải kéo dài thời gian làm việc cho người đương chức mà là cho tương lai”

 

Cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

 “Trước hết phải khẳng định, việc sửa đổi Bộ Luật lao động là để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn của thị trường lao động, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc của Việt Nam trong việc từng bước thực thi các cam kết về lao động khi tham gia CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tôi đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực chủ động nghiên cứu tiếp thu giải trình nghiêm túc các ý kiến mà các đại biểu Quốc hội  nêu ra”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

 - Ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ luật Lao động phải bám sát và thể chế hóa tinh thần của chiến lược kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030


Theo Chủ tịch Quốc hội, bản thân Bộ luật Lao động là Bộ luật rất lớn, quan trọng và phức tạp, sửa đổi đến 200 điều nên không chỉ tác động trực tiếp đến tất cả các doanh nghiệp và 55 triệu người lao động mà còn tác động gián tiếp đến toàn bộ nền kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài. Chính vì vây, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật phải tính đến nhu cầu phát triển của đất nước và những vấn đề mang tính quyết định trong nội dung Bộ luật phải được nghiên cứu sâu. Trong đó, Chủ tịch Quối hội lưu ý một số vấn đề:

Thứ nhất là Bộ luật phải bám sát và thể chế hóa tinh thần của chiến lược kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 đang được xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội. Chiến lược này xác định mô hình và động lực phát triển của Việt Nam trong thời kỳ tới.

Thứ hai, chúng ta đang ở thời kỳ bắt đầu chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài để từng bước tiến lên chứ không chỉ làm gia công, sơ chế. Do đó, các quy định của Bộ luật Lao động đóng vai trò rất quan trọng trong việc chọn lọc, thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân việc duy trì lao động trình độ thấp, thu hút đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động có thể góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo lợi thế cạnh tranh trước mắt nhưng chúng ta sẽ gặp khó khăn thách thức trong tương lại khi máy móc, trình độ phát triển sẽ thay thế con người. Bộ Luật lao động phải làm sao để người lao động đủ sức cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực, làm sao để người lao động được đào tạo để làm quen, làm bạn, làm chủ công nghệ mới.

Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động, theo Chủ tịch Quốc hội, trước chúng ta chỉ bó hẹp trong khu vực có quan hệ lao động với khoảng 15 triệu người và vẫn để bên ngoài 40 triệu người trong độ tuổi lao động. “40 triệu người này sẽ được bảo vệ, được điều chỉnh bằng cơ chế nào nếu chúng ta không quy định trong Luật?” - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, xét về tổng thể Bộ luật Lao động phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động chứ không chỉ bảo vệ một phía. Phải cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự phát triển và tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Và phải bám sát nguyên tắc đất nước phát triển hơn thì tất cả người dân Việt Nam trong đó có cả người lao động và người sử dụng lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, được hưởng thành quả nhiều hơn.

 

 - Ảnh 2Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH


Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm

Đi vào các vấn đề cụ thể của Bộ luật, liên quan đến vấn đề tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tuổi nghỉ hưu phải tính đến các yếu tố sức khoẻ, khả năng làm việc của người lao động, thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, rồi cả vấn đề văn hóa truyền thống, tâm lý xã hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề lớn, phải thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết TƯ đó là tăng tuổi nghỉ hưu để đáp ứng cho sự phát triển dài hạn và cần có lộ trình.  

"Theo lộ trình, tới năm 2035, cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60. Tức là hơn 15 năm nữa, phụ nữ mới được làm việc tới 60 tuổi. Chứ không phải chúng tôi làm cái này để chúng tôi tính ở lại đâu. Tôi với chị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội) cũng quá tuổi theo bộ luật rồi. Làm Bộ luật này không phải cho người đương chức kéo dài thời gian làm việc mà là cho tương lai", Chủ tịch Quốc hội khẳng định và đề nghị Chính phủ, các Uỷ ban tiếp thu, đánh giá tác động với từng đối tượng cụ thể, cách làm rõ ràng, bước đi thận trọng, tăng cường tuyên truyền để  tránh dư luận phức tạp. Đồng thời phải lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đó tổng hợp đánh giá, phân tích, cân nhắc các luận cứ khoa học để quy định tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

 

 - Ảnh 3Các đại biểu tham dự phiên họp 


Về việc tăng giờ làm thêm, theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là vấn đề luôn đặt ra mỗi khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng một số ngành nghề do Chính phủ quy định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm hiện khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Vấn đề này xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động. Nhiều trường hợp người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định.

“Chúng ta không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn tạo điều kiện cho người lao động được phát triển, được nâng cao trình độ. Mặt khác phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, xu hướng của thế giới là tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao đời sống cho người lao động. Lần trước tôi có phát biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng sau khi đọc lại lịch sử quan điểm của chúng ta từ trước đến nay và đi theo xu hướng tiến bộ thì tôi đề nghị chúng ta nên cân nhắc liệu chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về tổ chức đại diện của người lao động, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là quy định mới nhằm thể chế hóa các cam kết trong CPTPP và các Công ước. Hiện chúng ta đã phê chuẩn 6 Công ước và hiện còn 2 công ước là Công ước 87 và Công ước 105  ta chưa phê chuẩn. Tuy nhiên, các quy định của Bộ Luật Lao động và các Luật chuyên ngành đều hướng tới đảm bảo tinh thần hai Công ước này. “Hai Công ước còn lại là vấn đề rất khó, nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, kích động, xuyên tạc, nên đòi hỏi phải nội luật hóa rất khéo léo, để  phù hợp với các điều kiện của nước ta, đảm bảo lợi ích quốc gia  mà vẫn đảm bảo các cam kết đối với quốc tế. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần phải lấy ý kiến các chuyên gia am hiểu rất sâu về vấn đề này.” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh