THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:58

ĐBQH: Tuổi thọ cao, tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn cần thiết

 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu tại nghị trường.


Tuổi hưu: Suốt 60 năm qua không hề tăng

Thảo luận tại hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi), chiều 12/6, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu làm “nóng” nghị trường, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Chế độ hưu trí chính thức bắt nguồn từ Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961, đến nay đã gần 60 năm. “60 năm qua không hề tăng bất kỳ tuổi nào, trong khi hệ thống tuổi thọ của chúng ta đã tăng từ năm 1960 là 59,04 đến giờ là 76,05. Như vậy, tuổi thọ cao gây áp lực cho toàn bộ hệ thống quỹ hưu trí Việt Nam”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Thứ hai, theo vị đại biểu tỉnh Bến Tre, về vấn đề băn khoăn có gây áp lực cho thị trường không? Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu câu hỏi và tự trả lời: Mỗi ngày có 300 - 400 doanh nghiệp ra đời, 250 - 280 doanh nghiệp dừng hoạt động, vậy mỗi năm có 21.600 doanh nghiệp tồn tại và thông thường có khoảng 300.000 lao động được giải quyết.

“Với 400.000 lao động và tính linh hoạt của thị trường lao động sẽ không gây áp lực. Tôi đưa ra một vài con số để các vị cùng tham khảo”, ông Nhưỡng kết thúc phiên tranh luận của mình.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh).


Bảo đảm nguồn quỹ bảo hiểm không bị phá vỡ

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu như nhiều đại biểu đã khẳng định là rất cần thiết. Theo phương án 1, tôi cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu nhưng cần quan tâm thêm các yếu tố về đối tượng ngành nghề, ngành nghề mang tính chất độc hại hoặc ngành giáo dục mầm non, chúng ta không nên chỉ giới hạn cho nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi mà có thể 5 - 10 tuổi với ngành nghề cụ thể.

“Có những ngành nghề có thể tăng thêm thời gian làm việc không chỉ 5 tuổi mà có thể 5 - 7 tuổi và cần có danh mục để Quốc hội thảo luận, xem xét”, ông Sơn nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ sự đồng thuận với phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ, đại biểu lưu ý để khi ban hành tuổi nghỉ hưu được nhân dân đồng tình thì các cơ quan báo chí, đại biểu Quốc hội cũng phải nắm hết những điều này khi tiếp xúc cử tri và làm người dân thông suốt để nhằm ban hành luật được thuận lợi.

Lý do đồng tình tăng tuổi, theo ông Phương là do tuổi thọ Việt Nam hiện tăng cao, tăng tuổi nghỉ hưu là yếu tố bảo đảm nguồn quỹ bảo hiểm không bị phá vỡ, tận dụng tối đa tiềm năng trí tuệ của người lao động, đồng thời tiến hành tiến trình dân số vàng chuyển sang già hóa dân số.

“Bài học rút ra từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trên thế giới; thực tiễn, nhiều nước trên thế giới đều tăng tuổi nghỉ hưu”, vị đại biểu tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Điểm thứ hai, theo đại biểu Phương, niềm tin lớn khi tăng tuổi nghỉ hưu là luật sửa đổi đã đưa ra một lộ trình tăng tuổi hợp lý. Từ năm 2021, người lao động trong điều kiện bình thường mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ cho đến khi 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ.

Như vậy, là sau 9 năm đối với nam, 16 năm đối với nữ mới đến điểm cuối cùng của tuổi nghỉ hưu. Lộ trình này nhằm giải quyết tuyển dụng đối tượng lao động đã qua đào tạo như nhiều ý kiến đại biểu. Đây cũng là thời gian để nâng cao trách nhiệm, định hướng đào tạo hướng nghiệp cho lực lượng trẻ thời gian tới.

Để việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu lần này là hết sức nhạy cảm, tất cả các nước trên thế giới khi tăng tuổi nghỉ hưu đều có sự phản ứng của người lao động. "Cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, để tạo sự đồng thuận xã hội, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động khi luật ban hành”, ông Phương nhấn mạnh.

Thành Công - Văn Bình - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh