CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

Tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thực

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Liên quan đến nội dung tăng giờ làm thêm, tờ trình của Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho hay, về cơ bản Ủy ban thống nhất với tờ trình của Chính phủ

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho hay, về cơ bản Ủy ban thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Cho biết việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nâng lên thêm 100 giờ, ông Lợi khẳng định, là xuất phát từ thực tiễn, sự thương lượng tập thể giữa chủ lao động và người lao động đều muốn tăng giờ làm thêm để giải quyết công việc thời vụ, và người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, ông Lợi lưu ý, tăng giờ làm thêm cũng cần đánh giá tác động không chỉ năng suất, mà còn sức khoẻ người lao động, nếu kéo dài quá liệu người lao động có đáp ứng được yêu cầu không. Vì thế, cần tập trung 1 số ngành nghề và phải có danh mục các ngành nghề đó để lấy thêm ý kiến, để đảm bảo sau này, tính tuân thủ pháp luật, và quản lý được chặt chẽ hơn.

“Phía Công đoàn có văn bản đề nghị gửi Quốc hội muốn làm thêm giờ phải tính lương luỹ tiến, song hiện nay chúng ta đã tính luỹ tiến. Nếu cứ tăng thêm giờ làm thêm, lại tiếp tục tính tiền luỹ tiến nữa thì không có chủ lao động nào làm, và bản thân người lao động không còn cơ hội làm thêm giờ nữa”, ông Lợi phân tích và nêu, việc tăng thêm luỹ tiến từ 300 giờ trở lên thì nên để chủ doanh nghiệp thương lượng với người lao động quyết định, để có lợi hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) tán thành việc làm thêm giờ, tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng, tăng giờ làm thêm nhưng có thể điều chỉnh có thêm thời gian nghỉ ở giờ làm việc chính thức cho NLĐ. “Cần quy định về mức tiền trả làm thêm, tăng bao nhiêu cần tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và doanh nghiệp"- đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng tán thành với dự thảo của Luật Lao động là mở rộng thời gian làm thêm không quá 400 giờ/1 năm. Theo đại biểu Lộc, nếu so sánh tương quan giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như Nhật Bản thì thời gian làm thêm của chúng ta là ít nhất.

“Với tiền lương cho thời gian làm thêm, nếu quy định là 400% như trong dự thảo về quy định thì không chủ lao động nào có thể đáp ứng được, bởi nó liên quan tới hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, tôi đề nghị lưu ý việc chủ sử dụng lao động chỉ có thể yêu cầu làm thêm giờ khi được người lao động đồng ý, phải có sự thỏa thuận giữa hai bên về thời gian làm thêm cũng như tiền lương”- đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho ý kiến về Bộ luật Lao động sửa đổi

Khẳng định việc làm thêm giờ là nhu cầu có thực xuất từ cả hai phía doanh nghiệp và NLĐ, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho hay, điều này thậm chí có ngay từ khi bộ luật Lao động có hiệu lực từ năm 2012, qua gặp gỡ đối thoại với người sử dụng lao động. Tuy vậy, mục đích đạt được từ hai phía, theo bà Hạnh lại không giống nhau.

“Doanh nghiệp muốn NLĐ làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng, nhất là lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu, giảm bớt tuyển dụng lao động, và thu được lợi nhuận. Còn với NLĐ, mục đích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống” – nữ đại biểu nhìn nhận.

Qua khảo sát, bà Hạnh cho biết, tình hình làm thêm giờ ở Bình Dương – “thủ phủ” của các khu công nghiệp, khu chế xuất - hiện diễn ra quá phổ biến, thậm chí vượt gấp 2 – 3 lần khung giờ quy định.

“Nhiều doanh nghiệp thậm chí tăng ca từ 800 – 1000 giờ mỗi năm thậm chí hơn, trong khi luật chỉ cho phép tối đa 300 giờ. Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, chọn lĩnh vực điện tử và kết luận, 60% doanh nghiệp thanh tra vi phạm thời gian làm thêm giờ" - bà Hạnh thông tin.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho rằng, vấn đề này cũng xuất phát từ chính nhu cầu của NLĐ, nên doanh nghiệp dù vi phạm vẫn khó bị phạt do có giấy tờ cam kết từ chính NLĐ, hoặc có bị phạt thì mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu về nên việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất đau lòng khi phải chấp nhận việc tăng giờ làm. Nhưng thực tế ở Bình Dương là nếu chúng tôi bảo vệ quan điểm không tăng ca thì NLĐ sẽ phản ứng, vì người ta có nhu cầu muốn tăng ca. Nhiều NLĐ đi tìm doanh nghiệp có tăng ca để ứng tuyển. Vì sao? Vì tiền lương không đủ sống, buộc họ phải làm thêm giờ để đảm bảo thu nhập” - bà Hạnh chia sẻ.

GIANG ĐÔNG- MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh