THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:56

Thí sinh nên học nghề gì trong thời cuộc 4.0?

 

Thí sinh lo lắng về chọn nghề thế nào cho khỏi thất nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, vào ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Mà nếu bình tĩnh nhìn nhận sẽ thấy sau khi tốt nghiệp THPT, học ngay một nghề “hot” thì tương lai cũng rất tốt. Nếu nghề đó phù hợp với năng lực của bản thân thì cũng sẽ có tương lai.

Thí sinh phải tự định hướng cho bản thân

Theo Dân trí, chia sẻ với các thí sinh trong việc chọn nghề trong năm tới, TS. Trần Văn Tính, trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thí sinh cần xác định rõ được các năng lực và phẩm chất của của mình như sở thích, khả năng, cá tính… để định hướng nghề nghiệp vì hoạt động nghề nghiệp sẽ theo suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu được kiến thức về ngành học trong trong các trường Đại học trong và ngoài nước để có thể lựa chọn hoặc điều chỉnh việc lựa chọn nghề trong và sau quá trình học.

TS Trần Văn Tính cho biết, có 3 yếu tố học sinh cần kết hợp để lựa chọn nghề cho mình:

Thứ nhất, học sinh cần biết về đặc điểm tâm lý, năng lực học tập và yếu tố sinh lý của cá nhân. Đây là yêu tố chủ quan nhưng có thể quyết định đến việc thành công trong nghề nghiệp của cá nhân sau này.

Thứ hai, học sinh cần trả lời 7 câu hỏi: Có nghề mới xuất hiện không, xu thế xã hội hiện tại đang phát triển nghề gì?  Nghề nào phát triển tốt nhất, dễ xin việc nhất? Nghề nào là nghề danh giá nhất? Nghề nào thu nhập cao nhất? Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công không? Chọn một ngành học có phải là nghiệp của cả đời không? Xã hội phát triển cần người làm nghề như thế nào?

Học sinh cần biết nghề mình muốn chọn là gì và yêu cầu của nghề đó là gì để bản thân còn có thể so sánh, thích ứng để phát triển theo nghề.

Thứ ba, thí sinh phải biết, điều kiện gia đình, truyền thống gia đình.

TS Hà cho rằng, gia đình là nơi hỗ trợ cho học sinh phát triển nghề nghiệp, nếu có sự hỗ trợ tốt thì khả năng thành công trong nghề của chúng ta càng ngày càng cao hơn.

Hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi chọn ngành học

Thông tin trên Đại đoàn kết, theo ông Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM), hiện có nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Tuy nhiên họ hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi chọn ngành học. Cụ thể, nên ưu tiên chọn một ngành mà làm được nhiều nghề, hoặc tích hợp nhiều ngành để làm một nghề.

 

Học nghề cơ khí.

 

Một số ngành được coi là có nhiều khả năng dễ tìm được việc làm, thu nhập ổn định có thể kể đến: Sửa chữa ôtô, cầu đường, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật), sửa chữa và lái tàu biển, hộ lý chăm sóc người già, người bệnh, xây dựng dân dụng, chế biến rau củ quả, đầu bếp, nuôi trồng thủy sản... Như vậy, không hẳn những ngành nghề dễ kiếm việc đòi hỏi điều gì đó cao siêu, đầu tư lớn, dài ngày, mà nói như các chuyên gia lao động là “trong tầm tay”.

Theo các chuyên gia, để đón đầu xu thế cũng như hội nhập tự tin, biến thách thức thành cơ hội nghề nghiệp cho bản thân, ngay từ bây giờ người học cần chú ý những điểm cần thiết sau:

Thành thạo ngoại ngữ. Nhất là tiếng Anh, vì ngôn ngữ này đã trở nên phổ biến ở rất nhiều quốc gia. Một nghiên cứu cho biết, tiếng Anh là ngoại ngữ được sử dụng tại hơn 100 quốc gia và hơn 1,5 tỷ người đang sử dụng để giao tiếp.

Chuyên môn vững vàng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về bản chất là sự thay đổi mạnh mẽ về công việc, cách làm việc. Nếu không có nền tảng nghề nghiệp vững vàng sẽ khó có cơ hội.

Chuẩn bị tác phong công nghiệp. Tác phong công nghiệp gồm rất nhiều kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp, giờ giấc, thích ứng với môi trường công sở, tinh thần làm việc… Chỉ có được những điều đó mới có thể hoàn thành công việc trong môi trường đòi hỏi ngày một khắt khe.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh