Học nghề gì để có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:06 - 27/02/2018
Học nghề công nghệ ô tô có rất nhiều cơ hội việc làm
Vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay là những nhóm ngành, nghề nào sẽ có vị trí ổn định trong tương lai. Giải đáp thắc mắc này, ông Đỗ Văn Giang cho biết nghề hàn, cắt gọt kim loại, cấp thoát nước, nghề điện, dịch vụ chăm sóc gia đình đang là những ngành nghề thiếu nguồn nhân lực, cả trong nước lẫn xuất khẩu lao động. Đồng thời, các ngành nghề này đều được đào tạo tại trường nghề địa phương. Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể hành nghề tốt ngay tại địa bàn của mình. Ngoài các ngành kể trên, điều dưỡng cũng đang là ngành có tiềm năng việc làm lớn. Các nước lớn như Nhật Bản và Đức rất cần nguồn nhân lực trong ngành điều dưỡng của Việt Nam. Đây là thị trường việc làm rất lớn cho các sinh viên theo học nghề điều dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình. Ông Giang khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất lớn. Với hơn 500 nghề thuộc hệ cao đẳng và hơn 800 ngành nghề trung cấp, học sinh có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích. Điều quan trọng là học viên có trau dồi kỹ năng, đáp ứng được vị trí mà đơn vị tuyển dụng đang yêu cầu hay không.
Từ năm 2018, các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề phải tạo những bước đột phá mới trong công tác đào tạo để thu hút người học, đồng thời giải quyết bài toán tồn tại và sáp nhập nếu hoạt động không hiệu quả. Giải quyết vấn đề tuyển sinh và hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho học viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang áp dụng chương trình thí điểm giáo dục cấp độ quốc tế đối với trường giáo dục nghề. Theo đó, 12 chương trình giáo dục tiên tiến của Australia đang được đưa vào thí điểm đối với khoảng 40 trường đào tạo nghề trên toàn quốc. Toàn bộ chương trình dạy, đề thi, phương pháp, công nghệ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của Australia. Kết thúc khóa học 3 năm, sinh viên sẽ được cấp bằng cao đẳng hoặc cao đẳng nâng cao từ nước này. Đồng thời, người học còn được cấp thêm một bằng Việt Nam sau khi học xong một số môn chung theo quy định.
Ngoài ra, trong năm 2018, hệ thống giáo dục nghề sẽ chuẩn bị triển khai đào tạo 22 nghề quốc tế trọng điểm chuyển giao từ Đức. Sinh viên được đào tạo theo mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa nhà trường, nhà tuyển dụng lao động và doanh nghiệp.Chương trình học chất lượng cao cho hệ cao đẳng nhận được sự đầu tư. Nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ được tổng cục đầu tư lại cho các trường: Giảng viên đều là chuyên gia đầu ngành đến từ Australia, Đức và cơ sở vật chất giảng dạy cũng được mua trực tiếp từ các quốc gia tiên tiến này.
Theo TS Trương Anh Dũng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, trong thời gian qua, GDNN đã có sự thay đổi cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước, trong đó nhận thức của xã hội đối với học nghề, dạy nghề chưa thực sự được coi trọng là một thách thức lớn nhất. Đổi mới trong công tác tuyển sinh, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở đào tạo. Tổng cục GDNN đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức các hội nghị tuyển sinh. Trong đó, điểm nổi bật là giao tối đa quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh học nghề, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đăng ký hoạt động GDNN; Tổ chức, chỉ đạo hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp giúp người học tiếp cận đầy đủ thông tin về các ngành nghề đào tạo. Năm 2017 vừa qua, nhiều trường có thương hiệu đã mạnh dạn đầu tư cho công tác tuyển sinh, đầu tư cho truyền thông tuyển sinh, giúp cho người học, các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức, đặc biệt một số trường đã cam kết đảm bảo việc làm và thu nhập cụ thể. “Những thay đổi này, đã tạo được niềm tin của xã hội với học nghề, và chính là sức hút mạnh mẽ trong tuyển sinh học nghề” - Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chia sẻ.
Mặc dù đã có những chuyển biến hết sức tích cực trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít các cơ sở đào tạo và một số ngành nghề vẫn khó tuyển sinh, đặc biệt là nhóm các trường top dưới, các nhóm ngành như kế toán, Y- dược, những nghề nặng nhọc, nguy hiểm như khoan nổ mìn, công nghệ mạ, kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò,… “Chính vì vậy, phát huy tối đa quyền tự chủ, các cơ sở đào tạo cần chủ động tăng cường năng lực đào tạo, thay đổi các giải pháp tuyển sinh, truyền thông hướng nghiệp, tạo dựng thương hiệu, tạo sức hút cho người học”. TS Trương Anh Dũng nhân mạnh.