CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:10

Thêm một mùa xuân trọn vẹn đạo lý với Người có công với Cách mạng

Vậy là thời khắc giao thừa đã điểm, một mùa xuân mới lại bắt đầu. Thời khắc này,  sắc xuân đã và đang lan tỏa trên khắp mọi nẻo đường, mọi miền quê của Tổ quốc. Trong mỗi ngôi nhà, ngõ xóm, từ thành thị tới nông thôn người người đang nâng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho một năm an vui, thái bình. Niềm vui xuân mới còn đặc biệt hơn với hàng triệu gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ và các thương bệnh binh trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với họ trong “Năm đền ơn đáp nghĩa” 2017 vừa qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017)

Quan tâm, chăm lo cho cuộc sống của người có công với cách mạng và gia đình họ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt 70 năm qua. Mặc dù lịch sử đất nước trải qua nhiều thăng trầm, nền kinh tế của nước ta có những giai đoạn rơi vào khủng hoảng, khó khăn nhưng chưa bao giờ người có công với cách mạng, các thân nhân liệt sỹ và các thương bệnh binh “bị đứng bên lề” các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định: Chăm lo công tác ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, không để đời sống của các gia đình chính sách rơi vào khó khăn, có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của người dân trong khu vực họ sinh sống ... Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử của người Việt Nam.

Một trong những bằng chứng sinh động nhất về công tác giải quyết chính sách ưu đãi người công với cách mạng là trong “Năm đền ơn đáp nghĩa” 2017 vừa qua, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ: “Bộ LĐ – TB&XH, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực, chăm sóc người có công trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình ...”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ ở Khu 3, Phường Trường Thịnh, TX Phú Thọ

Thực tế, trước việc hàng vạn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh vốn đã tồn đọng nhiều năm do “vướng” về cơ chế chính sách và thậm chí do sự “tắc trách”, “cẩu thả” của những người thực thi công vụ ở cấp cơ sở, từ cuối năm 2016 và trong suốt cả năm 2017, bằng sự chỉ đạo quyết liệt với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, ngành LĐ – TB&XH đã thực hiện công tác rà soát trên một quy mô lớn chưa từng có ở các khắp các tỉnh, thành đối với “tồn tại” này và coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Kết quả, cả nước đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng cho gần 1,4 triệu người. Cũng trong năm 2017, các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” ... được phát triển sâu rộng ở các địa phương. Nói về các hoạt động tổ chức Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét: “Chúng ta đã tổ chức trọng thể, ý nghĩa, chưa bao giờ cả nước lại tổ chức lớn đến thế. Một năm làm rung chuyển mọi tấm lòng người dân, mọi cấp, mọi ngành ... và chưa bao giờ người dân lại quan tâm đến các đối tượng chính sách như vừa qua”.

Đất nước đã trải qua 43 mùa xuân độc lập, nhưng vì nhiều lý do khách quan khác nhau, công tác giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Để đem lại sự công bằng trong thụ hưởng chính sách cũng như để các thân nhân người có công với cách mạng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác này vẫn đang được triển khai một cách quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương. Những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đã được định hướng một cách cơ bản như khẳng định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đó là: “Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tiếp tục rà soát giải quyết hồ sơ tồn đọng cấp tỉnh, trên cơ sở sơ kết việc thực hiện Quyết định 408 về xử lý cụ thể hồ sơ tồn đọng sẽ mở rộng đến cấp cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng theo Chỉ thị 14 của Ban Bí thư, bao gồm cả việc làm điểm, giải quyết chính sách đối với đối tượng là cựu thanh niên xung phong. Song song đó là việc xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện chính sách người có công trên cả nước để làm cơ sở cho việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và của Chính phủ ...”.Bộ trưởng ân cần thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, Người có công

Mỗi một kết quả đạt được trong công tác giải quyết chính sách ưu đãi người có công là mang đến một niềm vui, sự công bằng đối với gia đình, dòng họ của người có công với cách mạng. Bởi, đó chính là sự ghi nhận, tri ân của Đảng, Nhà nước, là nghĩa cử và trách nhiệm của các thế hệ đi sau đối với những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha, anh đi trước. Và, mỗi độ Xuân về, niềm vui đó lại như được nhân lên trong từng gia đình, dòng họ của những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hòa bình mà chúng ta đang được sống hôm nay. Đúng như tâm sự của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khi nói về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng: “Có những hồ sơ tồn đọng khi đọc để duyệt tôi không cầm được nước mắt, bởi có những liệt sỹ đã hy sinh cách đây 50 năm, 60 năm, thậm chí là trên 80 năm nhưng bây giờ mới được xem xét công nhận. Cứ giải quyết được một trường hợp hồ sơ tồn đọng, trong tôi đan xen cảm xúc, vừa vui, vừa buồn, vừa day dứt...”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Trung tâm điều dưỡng Người có công Phú Thọ

Từ những kết quả đã đạt được, từ tình cảm và trách nhiệm của những người làm chính sách, chúng ta mong muốn cứ mỗi độ xuân về, các gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng và thân nhân họ lại thêm ấm áp, vui tươi, thêm vững tin vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi, như chính khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình liệt sỹ: “ Ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và toàn xã hội ... Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi ghi lòng tạc dạ, mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến, đóng góp, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc. Chúng ta xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được xác nhận là liệt sỹ và cả những người bị thương chưa được xác nhận là thương binh rằng: Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn họ; các cấp các ngành và toàn xã hội đau đáu nỗi niềm phải xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh cho họ để thực thi pháp lý, trọn vẹn đạo lý với người có công với cách mạng”.

Giao thừa Xuân Mậu Tuất 2018

PHẠM ANH THẮNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh