THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:34

Từ thông điệp của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Kỳ vọng chuyển động mới cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ẩn, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, tháng 6/2016. ảnh:Anh Tuấn/TTXVN

1.Đi qua một năm 2016 với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao: triển khai nghiên cứu xây dựng văn bản, đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài 126 nghìn người - con số cao nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; tổ chức đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) sau 4 năm tạm ngừng; trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận lao động Việt Nam - Thái Lan; đổi mới tăng cường đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thị trường lao động quốc tế....

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Minh Thư, có 2 con là liệt sỹ, ở phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình.ảnh: Mạnh Dũng

Đặc biệt, với lĩnh vực người có công, qua kết quả Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xác định mục tiêu ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ và tổ chức xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận 75 trường hợp là liệt sỹ, trong đó có 57 hồ sơ liệt sỹ chống Pháp, 18 hồ sơ liệt sỹ chống Mỹ, hồ sơ thương binh và người hưởng chính sách như thương binh...mở ra hướng đi mới, tiến tới giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công. 

Nhìn tổng quan, năm 2016 các chính sách lao động, người có công và xã hội đều được triển khai đều khắp, hiệu quả qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.

2. Cả nước hiện có trên 8,8 triệu người có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công đều đã được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và được toàn thể xã hội tri ân, chăm lo với nghĩa cử “ Uống nước nhớ nguồn”; “Đền ơn đáp nghĩa”  “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau, còn một bộ phận nhỏ người có công và thân nhân của họ vẫn chưa được hưởng, hoặc hưởng chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, còn khoảng 5 nghìn hồ sơ liệt sỹ, thương binh và người được hưởng các chính sách như thương binh, liệt sỹ chờ xác nhận; khoảng 200 nghìn hài cốt liệt sỹ còn nằm ở bờ khe, thung suối, sườn núi; trên 300 nghìn liệt sỹ cần xác định rõ danh tính; tiếp tục nghiên cứu nâng cao mức sống gia đình người có công, không để hộ người có công sinh sống trong hoàn cảnh nghèo, khó khăn…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi thương binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh, tháng 1/2017. ảnh: Mạnh Dũng

“Ngành Lao động phải là ngành chủ động tham mưu nhất, sáng tạo tìm ra cách làm mới để giải tỏa những tồn tại, vướng mắc đặc biệt trong thực hiện chính sách người có công. Không để gia đình người có công, liệt sỹ và thân nhân của họ phải chờ đợi lâu. Còn để nợ đọng hồ sơ xác nhận người có công, đó là chúng ta còn nợ dân” - Đó là thông điệp chỉ đạo xuyên suốt của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngay từ khi ông về nhậm chức Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tháng 4/2016.

Năm 2017, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp tục đối diện với nhiều thách thức và khó khăn. Từ giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, công tác an toàn lao động, phòng chống tệ nạn xã hội…và trọng điểm là tập trung giải quyết tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận người có công - hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành triển khai Đề án sửa chữa, làm mới nhà ở cho gần 300 nghìn hộ có công….

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Quảng Nam, tháng 12/2016. ảnh: Mạnh Dũng

Từ kinh nghiệm thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công tại 5 tỉnh, thành phố năm 2016, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện và phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết 70% hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, liệt sỹ và người được hưởng tiêu chuẩn như thương binh. Vẫn biết rằng, quy trình xác nhận  một hồ sơ thương binh, liệt sỹ không còn (hoặc thiếu) giấy tờ gốc, là vô cùng gian truân, phức tạp. Có những trường hợp kéo dài vài tháng, thậm chí là cả năm cũng chưa thể giải quyết xong, nhưng không vì thế mà không tập trung tìm hướng giải quyết.

Trả lời phỏng vấn Báo Dân trí và Khuyến học, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung   khẳng định quyết tâm: “ Việc càng khó, càng phải quyết tâm làm. Bởi nếu không bắt tay vào làm, thì biết đến bao giờ vấn đề hồ sơ tồn đọng mới được giải quyết?”.

Ý chí, quyết tâm của người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rõ, năm Đinh Dậu này sẽ là sự chuyển động mạnh mẽ toàn ngành đều khắp các lĩnh vực, với nỗ lực tạo ra nhiều thành quả mới, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về một Bộ phụ trách đa lĩnh vực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo đà để đất nước phát triển, giầu đẹp, văn minh./.

Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh