THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Thêm 900.000 lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề

Đào tạo nhiều nghề trong ngành nông nghiệp

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là 1.750 tỷ đồng; trong đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.375 tỷ đồng; kinh phí địa phương 300 tỷ đồng, kinh phí khác 76 tỷ đồng, kinh phí cấp cho các địa phương là 1.702 tỷ đồng.

Các ngành nghề được đào tạo là sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển.

Đặc biệt, ưu tiên các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nghề cho các thành viên tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã.

Cũng theo ông Ma Quang Trung, giải pháp để thực hiện kế hoạch trên là rà soát lại các chương trình, giáo trình nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đã xây dựng từ những năm trước để hoàn thiện; cập nhật, bổ sung các chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thời gian học.

Ngoài ra, đào tạo nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa đủ giáo viên cơ hữu. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn…

Khuyến nghị về nhận thức và chính sách

Những năm qua, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt kết quả tích cực. Nhiều mô hình tại nông thôn có kết quả rõ rệt, không chỉ nâng cao trình độ nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập như: Ngành nghề nông thôn còn lúng túng, lẫn lộn giữa công nghiệp, nông nghiệp; chương trình đào tạo nghề nội dung giáo trình, kiến thức còn chưa phù hợp...

Kết quả nghiên cứu mới đây của Oxfam về hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT cũng cho thấy, cơ chế lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đào tạo nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng đầu tư lớn cho các trung tâm dạy nghề ở tất cả các huyện là không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực. Các chính sách hỗ trợ học nghề chưa được tích hợp, vẫn đang tồn tại ở nhiều văn bản khác nhau, với cơ quan chủ trì riêng và dòng ngân sách riêng.

Từ kết quả nghiên cứu này, ông Hoàng Xuân Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu của Oxfam đã nêu ra một số khuyến nghị chủ yếu về đổi mới nhận thức, chính sách đào tạo nghề và các giải pháp thực hành ở cấp địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT hướng đến giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, chú trọng tích hợp chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng khác nhau vào chung một văn bản, áp dụng chung cơ chế và quy trình thực hiện. Tiến hành bổ sung hỗ trợ đào tạo nghề cho cả đối tượng người lao động di cư, “hộ mới thoát nghèo” và “người quá tuổi lao động nếu có đủ sức khỏe, có khả năng lao động và có nhu cầu học nghề”.

Chú trọng đào tạo nghề bổ sung, chuyên sâu cho nhóm nông dân nòng cốt để tạo hiệu ứng tiên phong, lan tỏa trong cộng đồng, gắn với vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. 

Giai đoạn 2017 - 2020, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng các mô hình đào tạo kiểu mẫu về phương pháp tổ chức lớp học, kỹ năng, hình thức đào tạo cho các loại nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương từ đó tổng kết đánh giá để nhân rộng. Các địa phương lựa chọn ngành nghề gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết sản xuất; sản phẩm công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh