THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:48

Hà Nội: Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Là một trong những đơn vị sử dụng nguồn vốn cho vay GQVL hiệu quả, NHCSXH huyện Mỹ Đức đã tận dụng tối đa nguồn vốn giải ngân kịp thời đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Từ sử dụng tốt nguồn vốn, nhiều dự án từng bước được mở rộng về quy mô, chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống hộ vay vốn, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại chỗ

Hiện, Công ty cổ phần thuê may Mỹ Đức được tiếp cận nguồn vốn vay GQVL từ NHCSXH là 490 triệu đồng, nhờ làm ăn hiệu quả công ty đang tạo 400 việc làm cho lao động thường xuyên với mức lương 4-5 triệu đồng/ lao động.
 
Có thể nói, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay vốn GQVL không những góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương mà còn giúp cho hàng trăm lượt lao động nhàn rỗi có việc làm và hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng lao động. Từ sử dụng tốt nguồn vốn, nhiều mô hình từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống hộ vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
 
Đến thăm cơ sở sản xuất khăn mặt của gia đình Nguyễn Văn Hoạt, Đội 8, thôn Thượng, Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Năm 2015, gia đình được vay 300 triệu đồng vốn GQVL của NHCSXH để phát triển kinh tế. Anh Hoạt tâm sự: “Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng cơ sở của anh có điều kiện mua máy dệt công nghiệp để sản xuất khăn mặt. Từ đó, cơ sở của anh tạo công việc thường xuyên cho 12 lao động tại xưởng và 10 hộ gia đình vệ tinh. Mức lương hàng tháng cơ sở trả cho người cao nhất là 8 triệu đồng, thấp nhất là 3 triệu đồng. Doanh thu 1 tháng của cơ sở anh Hoạt khoảng 42 triệu đồng. Nhờ vay vốn NHCSXH với lãi suất ưu đãi, thu hút được lao động, đầu tư có lợi nhuận. Song, số vốn 300 triệu đồng với quy mô sản xuất của cơ sở còn thấp, với cơ sở như của gia đình thì nếu được vay khoảng 1 tỷ đồng thì sẽ mở rộng được sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn”.

Cũng nhờ vào nguồn vốn vay GQVL gia đình chị  Hà Thị Minh, thôn Thượng, Phùng Xá, Mỹ Đức vay được 20 triệu năm 2015 có tiền mua khung cửi, có công việc và vươn lên thoát nghèo. Chị Minh cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ GQVL của NHCSXH mà gia đình đầu tư dệt khăn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng với nhu cầu thực tế thì gia đình cần vay khoảng 80 triệu đồng mới đủ đáp ứng công suất lao động của gia đình.
 
Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL được thực tế chứng minh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn GQVL. Theo ông Nguyễn Văn Chắt, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Đức thì mức cho vay cao nhất 500 triệu đồng, thấp nhất 20 triệu đồng. Để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này, bên cạnh cái khó về sự hạn hẹp nguồn vốn của chương trình thì nhiều cơ sở sản xuất còn vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Trao đổi vấn đề này, ông Tạ Văn Tự, Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ NHCSXH TP. Hà Nội cho biết: “Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia GQVL rộng nhưng nguồn vốn có hạn, chính yếu tố này tạo khó khăn trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, người dân phải tự chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt, trong đó vốn cho GQVL giữ vai trò hết sức quan trọng”.
 
Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định rõ: Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng/hộ (thay cho 500 triệu đồng/dự án và 20 triệu đồng/hộ trước kia). Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, số cơ sở được vay 1 tỷ đồng chưa có. Phổ biến là mức vay 300 - 500 triệu đồng, đối tượng chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể. 
 Cùng với hướng tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế hộ, mong muốn của những người làm công tác cho vay từ Quỹ quốc gia GQVL đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách cụ thể, đặc biệt về tiêu chí tăng lao động, tạo việc làm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình khi vay vốn. Với người đi vay, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi, hạn chế những rào cản về thủ tục, mức vay vốn được tăng lên... sẽ góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

THIỀU VĂN LÝ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh