THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:33

Thấy gì từ làn sóng “nhảy việc” hiện nay?

 

Ảnh minh họa.

 

Nhiều lý do để “nhảy việc” 

Kể từ sau Tết Nguyên đán, số lượng việc làm được rao tuyển trên các trang tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam như VietnamWorks hay JobStreet tăng đột biến. Bên cạnh những đầu việc được rao tuyển để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, còn có khá nhiều đầu việc nhằm “bù đắp” vào sự thiếu hụt nhân sự do tình trạng “nhảy việc” gây ra.

Theo một số chuyên gia về thị trường lao động, nếu như tình hình việc làm của nhóm lao động phổ thông hiện nay đang khá ổn định, thì làn sóng “nhảy việc” ở nhóm lao động trung, cao cấp lại diễn ra sôi động hơn hẳn. Năm 2018 đã từng chứng kiến nhiều CEO công nghệ “nhảy việc”, trong đó nổi bật là: Cựu Tổng giám đốc Microsoft Vũ Minh Trí và cựu CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cùng đầu quân cho VNG, ông Nguyễn Văn Giáp là một nhân sự cao cấp của Microsoft Việt Nam qua làm Giám đốc Quốc gia phụ trách thị trường của Lenovo tại Việt Nam… năm 2019 cũng hứa hẹn có những “cú nhảy việc đình đám” không kém.

Theo “Báo cáo phúc lợi và thưởng Tết năm 2019 tại Việt Nam” của VietnamWorks, chỉ riêng với trường hợp công ty không thưởng Tết như mong đợi, thì có đến 27% ý kiến tham gia khảo sát cho biết họ sẽ quyết định “nhảy việc”! Cũng chính VietnamWorks đã đưa ra top 10 lý do khiến người lao động có thể “nhảy việc”, đó là: Không có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, không hài lòng với mức lương, đào tạo và phát triển nhân sự không đúng cách, địa điểm làm việc không thuận tiện, công việc không liên quan đến chuyên môn được đào tạo hoặc năng lực sở trường, công việc nhàm chán, không hài lòng với tiền thưởng và chính sách phúc lợi, không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, công việc quá căng thẳng và không hài lòng với sếp.

Sở dĩ, chuyện “nhảy việc” thường gặp ở nhóm lao động trung, cao cấp chủ yếu là bởi họ luôn ý thức được giá trị của bản thân, đồng thời cũng thường nhận được những lời mời, thậm chí là sự “chèo kéo” của các công ty khác  kèm theo không ít lời hứa rất hấp dẫn. Như trường hợp của Thanh Hằng, trước đây từng là “ngôi sao” tại một công ty chuyên ngành dịch vụ khá lớn tại TP.Hồ Chí Minh, hiện cô đã chuyển tới làm cho một công ty sản xuất của nước ngoài, với mức thu nhập tăng gần 60% kèm theo nhiều chính sách phúc lợi hấp dẫn, cơ hội thăng tiến rộng mở. Tuy nhiên, mới đây cô cho biết, cô cũng đã xác định thời hạn làm việc ở “chỗ mới” là không quá 5 năm. Bởi khi đó cô đã tích lũy được một khoản vốn liếng không nhỏ, đồng thời cũng tích lũy được kinh nghiệm làm việc khá phong phú, có một chức vụ vào dạng “có số má”, để có thể tìm một “bến đỗ” khác không phải chịu áp lực công việc nặng nề như hiện tại là rất dễ, hoặc cũng có thể tự thành lập công ty riêng.

Còn với Trung Quân, từng một thời gian dài làm truyền thông tại một công ty nhân sự lớn ở TP.Hồ Chí Minh, anh cho biết trong vòng 7 năm qua đã từng “nhảy việc” tới 5 lần. “Cứ mỗi lần “nhảy việc” là mình lại thấy giá trị của bản thân được… nâng lên, chủ yếu do có bề dày kinh nghiệm khi trải qua nhiều vị trí công việc ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Năm nay tôi cũng dự tính tiếp tục “nhảy việc” để có một công việc nhẹ nhàng với chức vụ cao hơn, và đương nhiên là thu nhập cũng cao hơn”, Trung chia sẻ.

10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao

Lực lượng nhân sự trung, cao cấp ở Việt Nam luôn khan hiếm, nên tình trạng “nhảy việc” luôn tạo nên những khoảng trống trong nhiều doanh nghiệp. Và để bù đắp vào những khoảng trống ấy, các doanh nghiệp lại phải tăng cường tuyển dụng nhân sự - kể cả “chèo kéo” nhân sự từ các công ty khác.

Theo dự báo của VietnamWorks, danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 gồm: Tài chính, đầu tư, bán hàng, hành chính, thư ký, kế toán, IT, phần mềm, marketing, chăm sóc khách hàng, kiểm toán, internet, online media và xây dựng.

Hành chính, thư ký được dự báo đứng đầu trong top 10 ngành nghề có nguồn cung lao động nhiều nhất trong năm 2019. Đây cũng là ngành nằm trong top 3 được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong năm nay. Có tới 74% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát của VietnamWorks cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên. Nhưng đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của nguồn cung lao động chỉ bằng một nửa nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến (kênh tuyển dụng và tìm việc chính của nhóm nhân sự trung, cao cấp) trên toàn quốc năm 2018 tăng 11% so với năm 2017. Tuy nhiên, nguồn cung lao động trực tuyến trong năm nay chỉ tăng 5% so với năm 2017.

Số liệu thu thập được cho thấy, công việc dành cho người có kinh nghiệm vẫn đang thống trị thị trường tuyển dụng năm 2018, chiếm 72% nhu cầu tuyển dụng. Tiếp theo lần lượt là công việc cho cấp quản lý (trưởng phòng) chiếm 17%; sinh viên mới ra trường chiếm 8% và giám đốc chiếm 3%. Về nguồn cung lao động, ứng viên có kinh nghiệm chiếm 73%; cấp trưởng phòng chiếm 18%; sinh viên mới ra trường chiếm 6% và giám đốc chiếm 3%.

Như vậy, có thể thấy số trường hợp “nhảy việc” thường tỷ lệ thuận với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Thời điểm nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất cũng chính là thời điểm số trường hợp “nhảy việc” xảy ra nhiều nhất.Theo thống kê của VietnamWorks, tháng 3 hàng năm là thời điểm mà rất nhiều người nhảy việc. Tuy nhiên, như Terri Wein, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp nổi tiếng của Mỹ, đã từng khuyến cáo: “Đừng “nhảy việc” chỉ vì đó là điều cần phải làm. Nếu như bạn đã có một công việc ổn định và xác định được hướng đi lâu dài với công ty thì hãy trân trọng cơ hội đó”.

Trong công việc của mình luôn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, nhưng vẫn có nhiều cách để giải quyết mà không nhất thiết phải “nhảy việc”. Tốt nhất, người lao động hãy nghĩ tới những giải pháp đó trước khi quyết định “nhảy việc”! Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xem xét, điều chỉnh chính sách nhân sự hợp lý, đáp ứng tốt những nhu cầu chính đáng của người lao động để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”, mất nhân tài mà hiện tượng “nhảy việc” gây ra.

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh