Ngành Dệt may với nỗi lo lao động "nhảy" việc
- Bài thuốc hay
- 18:59 - 02/07/2015
Vốn ngoại rót mạnh vào dệt may, hút lao động
Theo Vitas, vấn đề gây khó cho các DN ngành dệt may thường không đến từ thị trường, từ khách hàng hay đối tác mà thường đến từ lực lượng LĐ. Hầu hết các DN không lo thiếu đơn hàng mà luôn thiếu nhân lực để thực hiện các đơn hàng đó. Và nỗi lo này đang lớn hơn bao giờ hết khi hiện nay hàng loạt DN ngoại đang không ngừng đầu tư vào Việt Nam, với mức lương cao, các DN này đang hút đông đảo những LĐ có tay nghề từ các DN nội chuyển sang. Điều này đã khiến các DN đứng trước những thách thức rất lớn cũng như phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để “giữ chân” người lao động của mình.
Nhận thấy những cơ hội lớn sẽ đến trong năm 2015 khi AEC chính thức hình thành, rồi TPP, FTA VN – EU... đang đi đến hồi kết, vì vậy ngay từ đầu năm, các DN nước ngoài liên tục đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt may. Theo Bộ KH&ĐT, Hàn Quốc là “ông lớn” đổ vốn vào các dự án dệt may nhiều nhất. Mới nhất, trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Onewoo đầu tư khoảng 6 triệu USD vào cụm công nghiệp Hà Lam, Chợ Được.
Hay như dự án của Tập đoàn dệt may Delta Galil Industries của Israel cũng đã làm việc với tỉnh Bình Định về dự án đầu tư 13 triệu USD vào lĩnh vực dệt, nhuộm, may mà DN này đang có ý định đầu tư tại đây. Dự kiến, dự án này sẽ thu hút hàng ngàn lao động và tạo ra một sản lượng nguyên phụ liệu và sản phẩm dệt may khá lớn với doanh thu dự kiến đạt khoảng 30 triệu USD. Dự án này hiện đang được khởi công.
Trong bối cảnh này, bản thân Vitas đã không thể ngồi yên, Vitas đang có những động thái mạnh mẽ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc rà soát lại ngành và kiến nghị với Chính phủ xây dựng các trung tâm dệt may giống như một số cường quốc dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... Ví như phía Bắc, sẽ thí điểm ở Nam Định, với quy mô 1.500 ha (giai đoạn I là 600 ha đã được Chính phủ phê duyệt); phía Nam tập trung tại tỉnh Tây Ninh... Nếu khả thi đây sẽ là cơ sở để Việt Nam thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực dệt may, và tạo sự ổn định để giữ chân người LĐ làm việc ổn định cho DN, không liên tiếp nhảy việc, khiến DN dệt may, nhất là DN nhỏ và vừa thường xuyên đối mặt với thiếu nhân lực.
DN Việt tập trung chiến lược đào tạo và giữ lao động
Nắm bắt xu thế hội nhập, tại họp báo thường kỳ tháng 6 ở Bộ Công Thương, đại diện các Cty dệt may lớn cho biết hiện DN của họ đều dốc sức chuẩn bị nhân lực chuẩn bị cho các cơ hội từ AEC, TPP đang đến gần. Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết: “Chúng tôi đầu tư cho việc hình thành trung tâm đào tạo cán bộ quản lý cấp cao và trung của tập đoàn tại 2 miền Nam, Bắc. Xây dựng các chương trình đào tạo cho giám đốc nhà máy thời gian 3-6 tháng. Ngoài ra cũng tiếp tục tuyển dụng và đào tạo bổ sung cho các dự án. Kể cả các chuyên gia quản lý nhuộm hoàn tất nước ngoài để bố trí tại các dự án trọng điểm tại Hòa khánh, Phố nối, Nam định, Yarn dyed Xuyên Á...”
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, dệt may Việt Nam XK sang các thị trường truyền thống đều tăng trưởng tốt, như XK sang thị trường Mỹ tiếp tục đạt sức tăng trưởng khá. Nếu so sánh với các quốc gia cạnh tranh khác trên thị trường Mỹ sẽ thấy, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số, trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí tăng trưởng âm. Dự báo XK dệt may sang Mỹ trong năm 2015 sẽ tăng khoảng 13% so với năm 2014, đạt trên 11 tỷ USD; với thị trường EU, dự báo kim ngạch XK dệt may sang EU sẽ duy trì được đà tăng trưởng và đạt trên 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, XK sang Nhật Bản cũng rất khả quan, dự báo tổng kim ngạch XK dệt may sang Nhật Bản có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014.
Tuy nhiên, hiện tại DN dệt may vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập. Trong đó, nỗi lo thường trực nhất vẫn là việc bị mất đi các LĐ lành nghề. Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nếu các DN không nhanh chóng đưa ra giải pháp, chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả khó lường.
Do đó để giải quyết tận gốc các vấn đề này DN phải thay đổi chiến lược kinh doanh, cách đãi ngộ cũng như những ràng buộc hợp lý với người LĐ để ổn định sản xuất. Đồng thời phải đầu tư xây dựng hình ảnh và thâm nhập dần thị trường nội địa, giữ vững thương hiệu của mình trên sân nhà trước ngưỡng cửa hội nhập.
Theo ông Lê Tiến Trường, có những DN ban đầu nỗ lực với những chính sách đãi ngộ tốt, mức lương ổn định, họ giữ vững được đội ngũ LĐ của mình, nhưng thời gian gần đây, do sự xuất hiện ngày càng nhiều của các DN mới, các đơn vị này cần khá nhiều nhân lực bậc cao nên đã có các đãi ngộ tốt hơn để lôi kéo, thu hút công nhân của các DN khác. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN dệt may hiện nay. |