CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:03

Công nhân “nhảy việc” để được tăng ca

 

Tìm việc mới để cải thiện thu nhập, trốn cô đơn

Mặc dù năm nay, theo báo của các doanh nghiệp, đầu năm mới tỷ lệ lao động trở lại làm việc khá cao. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng thêm công nhân.

Một số người tìm việc mới nhưng không ít công nhân muốn thay đổi chỗ làm. Đối với những công nhân muốn chuyển công ty thì tiêu chí hàng đầu trong tìm việc làm mới của họ là công ty có mức lương ổn định, đồng thời phải tăng ca càng nhiều càng tốt. Thậm chí, mỗi ngày những công nhân này có thể làm việc từ 10 - 12 giờ. Hầu hết những công nhân có nhu cầu chuyển công ty đều là những lao động trẻ và xa quê. Chị Nguyễn Thị Hà (quê ở Hà Tĩnh) cho hay, học xong lớp 12, chị cùng với các bạn ra Hà Nội để làm công nhân. Xa nhà gần 400km, 2 bạn cùng thuê chung phòng trọ để tiết kiệm chi phí. Ngoài giờ làm ở công ty, hai bạn lại về căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp hết ngủ lại lướt điện thoại cho hết ngày. Chị Hà mong muốn kiếm công việc mới được làm thêm để có thêm thu nhập để gửi về phụ gia đình nuôi em ăn học…

Đời sống công nhân vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại các khu công nghiệp, tình cảnh như Hà không phải cá biệt. Hầu hết các công nhân đều muốn làm thêm để tăng thu nhập, để giết thời gian rảnh rỗi. Anh Đồng Thành Trung (quê Thanh Hóa, từng làm Cty Nissei, KCN Bắc Thăng Long) tâm sự: “Tôi đã làm việc ở Nissei được một thời gian dài nhưng trước Tết vừa rồi tôi đã xin nghỉ. Lương cơ bản của tôi được 4,5 triệu đồng/tháng nhưng với số tiền ấy tôi phải trả 900.000 đồng phòng trọ, rồi tiền xăng xe đi lại, ăn uống… nên tháng nào tiêu hết tháng đó. Lương cơ bản của công ty khá cao nhưng không có tăng ca nên so với các bạn làm công ty khác thu nhập như vậy là thấp, trong khi nhiều thời gian rỗi rất lãng phí, thậm chí rỗi nhiều thì tiêu nhiều tiền hơn. Để có tiền dành dụm và gửi về quê giúp gia đình thì phải tìm việc ở công ty mới có nhiều việc để được tăng ca”.

Chị Nguyễn Thị Hồng (CN KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, ngoài thời gian làm việc chính thức, Hồng và đồng nghiệp muốn được tăng ca không chỉ để có thêm thu nhập, mà đối với những công nhân độc thân, đi làm nghĩa là được đến công ty, được gặp mặt bạn bè sẽ vui vẻ, tinh thần thoải mái hơn rất nhiều mà không mệt mỏi khi cứ ở nhà thui thủi một mình. Hiện tại lương cơ bản và trợ cấp của tôi được gần 4 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, sống ở Hà Nội nếu không tiết kiệm thì khó trụ được. Tiền nhà trọ, tiền điện, nước, ga…. Cũng như nhiều chị em khác làm công nhân, mỗi tháng dù làm ít hay nhiều Hồng phải để dành riêng ra 1 ít tiền để gửi về quê cho bố mẹ nên nhu cầu tăng ca của Hồng cũng như nhiều công nhân là sự thật. “Thế nhưng không phải mình cứ muốn tăng ca là được. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, áp lực công việc chúng tôi không sợ, điều đáng sợ nhất đối với công nhân là không được tăng ca! Lắm lúc bị gạt tên ra khỏi danh sách công nhân được tăng ca, tôi tủi thân và chỉ muốn khóc, giá như thu nhập cao hơn thì có lẽ chúng tôi sẽ vui vẻ háo hức rời khỏi nhà máy, thoải mái rủ bạn bè đi uống cốc nước mía bởi dẫu gì chúng tôi cũng đang ở tuổi 20!”, Hồng ngậm ngùi.

Công nhân muốn tăng ca để thêm thu nhập

Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), lương tối thiểu hiện chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Vì thế, hầu hết người lao động được hỏi đều mong muốn được làm thêm giờ để tăng thu nhập.

Theo ông Đặng Quang Hợp (Viện Công nhân và công đoàn thuộc Tổng LĐLĐVN), kết quả khảo sát điều tra tiền lương, thu nhập đời sống của người lao động trong năm 2016 cho thấy có tình trạng một doanh nghiệp nhưng có tới 2 bảng lương công nhân. Nhìn chung, mức lương cơ bản của người lao động tại các doanh nghiệp được khảo sát đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tuy vậy, mức lương cơ bản của người lao động còn thấp, tỉ lệ hưởng kề cận với mức lương tối thiểu vùng tương đối lớn.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp. Đối với tiền làm thêm giờ, có 75,5% người lao động cho biết có tiền làm thêm giờ, trung bình mỗi người 29,2 giờ/tháng, trong đó có 20% số lao động sản xuất trực tiếp phải làm thêm trung bình 30 giờ/tháng. Với số tiền làm thêm giờ đã được nhân với hệ số theo quy định, trung bình là 939.000 đồng/tháng.

Khi được hỏi so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình người lao động, có 14,2% người lao động trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ” trang trải; chỉ có 14,2% “có dư dật và tích luỹ”. Khảo sát cũng cho thấy, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Quang Hợp cho biết thêm, tiền lương cơ bản trung bình hằng tháng của người lao động làm đủ giờ công, ngày công hiện nay ở mức 4.133.000 đồng. Trong đó vùng I: 4.672.000 đồng và vùng IV là 3.466.000 đồng. Người lao động thuộc lĩnh vực cơ khí, cơ khí chế tạo có mức lương cơ bản trung bình cao nhất (gần 6,46 triệu đồng), trung bình thấp nhất là ngành giày da đạt gần 3,9 triệu đồng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh