THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:09

Giải pháp để người lao động không “nhảy việc”

 

“Tấm vé nghĩa tình” 

Trở lại Cty sau thời gian về quê Hà Nam đón Tết cùng gia đình, anh Nguyễn Văn Đông, công nhân Cty Uniliver (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi) cho biết, anh đã được đưa về quê bằng những chuyến xe miễn phí của chương trình “Tấm vé nghĩa tình”. Đúng sáng mồng 8 Tết, anh đã có mặt từ sớm để bắt đầu công việc tại Cty. “Mỗi năm 1 lần, những công nhân xa quê của Uniliver lại được nhận tấm vé nghĩa tình, chính điều này đã khiến chúng em thấy gắn bó với Cty và nhủ mình phải có đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp. Điều quan trọng khác, đó là chế độ tiền lương, thưởng dành cho người lao động của Cty cũng khá ổn, đảm bảo đời sống công nhân...”.

Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” mà những công nhân như anh Nguyễn Văn Đông được trao tặng là do Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thực hiện theo phương thức vận động doanh nghiệp tham gia đóng góp 70% giá vé, Công đoàn hỗ trợ 30% còn lại. Năm nay đã có gần 4.390 công nhân từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc được tặng vé xe và nhiều phần quà.

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, Công đoàn các Khu chế xuất khu công nghiệp đã chủ động phối hợp với Công đoàn cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu, xây dựng kế hoạch thưởng Tết (gồm mức thưởng, thời điểm chi trả) và công bố cho người lao động biết. Tính đến nay, đã có 1.576 doanh nghiệp báo cáo tình hình tiền lương thưởng Tết Nguyên đán 2016. Nhìn chung, các mức thưởng năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 5 - 10%, với mức thưởng bình quân là 1 tháng lương thực tế (lương tháng thứ 13).

 

Người lao động trở lại làm việc sau Tết.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, dự kiến tháng sau Tết, mức thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp khoảng 4%, thấp hơn so với cùng thời điểm vào năm ngoái, mức độ di chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân từ 6 - 8%.

Doanh nghiệp “lo xa”

Dự đoán trước tình hình “nhảy việc” sau Tết của người lao động, ngay từ thời điểm trước Tết, nhiều DN ở Hà Nội đã đưa ra các giải pháp nhằm “giữ chân” người lao động, trong đó, việc chăm lo đời sống cho công nhân trong dịp Tết là cách được các DN áp dụng. Thưởng Tết của công nhân được ban lãnh đạo các DN quan tâm ở mức tối đa. Đặc biệt, người lao động không phải làm thêm giờ kéo dài, tất cả các chủ nhật đều nghỉ, nếu làm thêm thì được nghỉ bù.

Trước đây, để “giữ chân” người lao động sau Tết, doanh nghiệp thường để lại một phần thưởng Tết dành phát sau khi họ quay trở lại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp trả hết tiền thưởng cho người lao động. Cùng với việc chăm lo đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho công nhân, các công đoàn cơ sở còn xây dựng kế hoạch tổ chức cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết tại nơi cư trú đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Bà Lê Thị Huyền, cán bộ công đoàn Cty Yamaha Nội Bài (Hà Nội) cho biết: “Cty đã có nhiều chương trình phúc lợi trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, Công đoàn của Cty cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ xe và tiền xe cho công nhân về quê ăn Tết; thưởng 2-3 tháng lương cho công nhân tùy theo mức làm việc”.

Giống như ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhằm “giữ chân” người lao động sau Tết, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã sớm chỉ đạo chặt chẽ Công đoàn các cấp tăng cường theo dõi việc ổn định quan hệ cuối năm, đặc biệt là việc chăm lo Tết cho công nhân, đã chuẩn bị trên 5.400 vé xe để tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Theo đó, ngoài 400 vé xe từ nguồn tiền của Liên đoàn Lao động tỉnh, còn 2.000 vé của Cty Viễn thông Mobifone, 3000 vé của Cty cổ phần Bia Sài Gòn. Nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch hỗ trợ từ 50-100% giá trị vé Tết khứ hồi, nếu công nhân quay trở lại làm việc sau Tết đúng hạn.

Với những công nhân ở lại địa bàn, các cấp công đoàn đều nắm chắc danh sách, tổ chức động viên, thăm hỏi tặng quà theo tinh thần tất cả công nhân đều được đón Tết. Không chỉ có các doanh nghiệp, các cấp công đoàn tổ chức chăm lo Tết cho công nhân lao động, mà các chủ nhà trọ cũng chung tay, góp sức để những người con xa quê cảm thấy ấm lòng khi Tết đến xuân về. Rất nhiều chủ nhà trọ dành phần tiền nhà của tháng cuối năm mua quà lì xì, tổ chức tiệc tất niên cho công nhân khu trọ.

Việc “lo xa” này đang là một điểm sáng trong chính sách đãi ngộ với người lao động của không ít doanh nghiệp trong một vài năm gần đây, đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết. 

Thống kê của Sở LĐ -TB& XH TP. Hồ Chí Minh, năm nay cá biệt có doanh nghiệp mức thưởng Tết cao nhất hơn 2 tỷ đồng/người, thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng tương đối thấp.

Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua báo cáo của hơn 300 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, dịp Tết vừa qua, tổng số tiền doanh nghiệp chăm lo Tết cho người lao động là hơn 50 tỷ đồng. Công nhân được hưởng lợi từ các hoạt động chăm lo đời sống đã gắn bó, cam kết làm việc lâu dài tại doanh nghiệp. 

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh