THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:52

Thay đổi thời gian làm việc: Hiệu quả công việc sẽ cao hơn

 

Đề xuất thay đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính.

 

Khắc phục nhiều bất cập

Mới đây, ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký quyết định điều chỉnh một số nội dung của tờ trình sửa đổi Luật lao động theo hướng tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, trong đó có đề xuất thay đổi giờ làm việc.

Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung ký, phương án 1 về đề xuất giờ làm việc được sửa lại như sau: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước".

Đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30-17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Trước đó, phương án 1 trong phiên bản cũ của dự thảo Tờ trình được công bố hôm 28/4 có nêu “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Trong khi đó, phương án 2 ở phiên bản mới của dự thảo vẫn giữ nguyên như cũ: "Giữ nguyên quy định giờ làm việc như hiện hành. Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do chủ tịch UBND tỉnh quyết".

Trao đổi về khung giờ làm việc mới của dự thảo Bộ LLĐ sửa đổi, chị Nguyễn Thị Xuân hiện đang công tác tại phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho rằng, việc điều chỉnh giờ đi làm như vậy thì mọi người sẽ có thời gian chuẩn bị cho các con và một số việc của gia đình, đồng thời cũng tránh tắc đường kẹt xe. “Trên thế giới người ta làm việc không nghỉ trưa còn mình thì nghỉ đến 1 tiếng rưỡi. Tôi nghĩ nên nghỉ 1 tiếng để chiều về sớm với gia đình thì hợp lý hơn"- chị Xuân nói.

Đồng thuận với phương án điều chỉnh giờ làm việc, anh Nguyễn Văn Hùng ở Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, đề xuất làm việc từ 8 giờ 30 sáng và có một giờ nghỉ trưa là đề xuất khá hay và cần phải nghiên cứu, xem xét kĩ lưỡng. "Tôi thấy một số quốc gia trên thế giới làm việc từ 9 giờ sáng và hiệu quả rất cao. Thứ hai là nếu giờ nghỉ trưa 1 giờ sẽ góp phần hạn chế việc ăn cắp giờ công" - anh Hùng bày tỏ quan điểm.

Chị Cao Thị Tuyết ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cho biết, cá nhân chị rất ủng hộ đề xuất này. Theo chị Tuyết, hiện nay một số công chức ngủ dậy chưa làm được gì đã vội vã mặc đồ đi làm, không có nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân. ''Ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng khung giờ làm việc này từ lâu, và như vậy không cần phải thay đổi giờ làm việc mùa đông và mùa hè. Quan trọng hơn là sẽ giảm thiểu được tình trạng tắc đường, cha mẹ sẽ chăm lo cho con cái tốt hơn trước khi bước vào một ngày học tập ở trường. Nhiều trẻ em hiện nay hiện nay sức khỏe kém, nhiều em bị đau dạ dày vì dậy sớm, ngủ không đủ giấc, không kịp ăn hoặc ăn rất vội vàng trước khi đến lớp'', chị Tuyết chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Phạm Trung Thành (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, làm việc sớm rất bất tiện, có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe trẻ em và cả người lớn. Bên cạnh đó, không nên để thời gian nghỉ ngơi vào giờ trưa quá nhiều. "Theo thời gian cũ là từ 11h30 đến 13h30. 2 tiếng nghỉ trưa sinh ra đủ thứ chuyện. Đầu tiên là việc ngủ trưa quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Bên cạnh đó, những ai không về nhà vào buổi trưa lại kéo nhau ra quán ăn làm vài lon bia, chén rượu, đến khi vào làm việc sẽ không có hiệu quả, thậm chí không thể tiếp tục làm việc” – anh Thành lý giải.

 

Có lộ trình thay đổi cho phù hợp

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Thái Văn Tài- Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khung giờ bắt đầu làm việc từ 8h30 là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy chúng ta cũng nên tập làm quen với giờ làm việc mới trong dự thảo Bộ LLĐ sửa đổi đề suất.

 

Thay đổi thời gian nghỉ trưa của các cơ quan hành chính .

 

Tuy nhiên, ông Tài băn khoăn, nếu học sinh bắt đầu giờ học từ 8 giờ 30 sẽ phù hợp với khối học sinh học 2 buổi/ngày, các em cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều về thời lượng học; nhưng múi giờ này lại ảnh hưởng đến thời lượng học của khối học sinh học 1 buổi/ngày vì như vậy giờ học sẽ kết thúc buổi quá muộn. Về thời gian nghỉ trưa một tiếng, ông Tài chia sẻ, thời gian đó đối với công chức thì bình thường, nhưng đối với giáo viên, công việc đặc thù riêng, do vậy, nghỉ trưa một tiếng đối với các trường bán trú sẽ rất khó khăn cho các giáo viên. Tuy nhiên, đối với các vị trí việc làm mà giáo viên đơn thuần sẽ không bị ảnh hưởng lớn.

“Nếu thời gian tới, giờ làm việc có sự thay đổi thì Bộ GD&ĐT cũng sẽ có phương án tính toán đối với những trường học hai buổi và trường học một buổi học như thế nào cho phù hợp. Chắc chắn phải ưu tiên về mặt khoa học để cho các con tiếp thu bài không bị áp lực về thời gian. Tùy theo mô hình trường học hai buổi, một buổi để điều chỉnh cho hài hòa giữa giờ giấc của bố mẹ, học sinh và thời gian học tập của nhà trường”, ông Tài cho hay.

Là người từng có thời gian học tập và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, TS. Lê Thị Quỳnh Nga, giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn khẳng định: “Tôi ủng hộ việc thay đổi thời gian làm việc của người lao động theo cách thức như quy định mới ban hành vì nó sẽ giúp con người làm việc tập trung, hiệu quả công việc cao hơn. Tôi có điều kiện học tập và làm việc tại Đức và Hàn Quốc và hợp tác với một số công ty nước ngoài của Mỹ, Singapore, Hàn Quốc tại Việt Nam, tôi thường thấy, thời gian bắt đầu thường 9 giờ sáng và kết thúc 6 giờ chiều. Buổi trưa quy định nghỉ tối đa 1 giờ đồng hồ. Còn ở Đức ngày thứ Sáu, giảng viên nơi trường tôi học làm việc nửa ngày. Với bà mẹ đang nuôi con nhỏ thì chỉ đi làm đến 2 giờ chiều và có thể đón con về nhà sớm bất cứ lúc nào, nhưng không được phép muộn hơn giờ quy định...”

Theo TS Nga, con người cần tập trung làm việc trong một khoảng thời gian cao độ, không trải dài như hiện nay, có như vậy, năng suất lao động mới tăng cao. Hơn nữa, xu hướng việc làm và lao động sẽ thay đổi lớn trong những năm tới khi lượng lao động tự chủ tăng lên, nhiều người sẽ không còn lệ thuộc vào thời gian, không gian và địa điểm nữa nhưng hiệu quả công việc vẫn đạt được ở mức cao. Do vậy, quy định thời gian lao động tập trung trong ngày để tạo nên tính tập trung, hiệu quả cao và phù hợp với sự dịch chuyển của xu hướng lao động.

NGUYỄN SÍU - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh