THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:06

Sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Lao động, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

 


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)


Dự thảo Bộ luật gồm 17 Chương, 221 điều 

Sáng nay 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo tờ trình, để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm: thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện và đồng bộ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, đảm bảo việc làm bền vững. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; Giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bổ sung  những vấn đề mới đang đặt ra, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng; Nội luật hóa các cam kết, các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, thị trường lao động.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Bộ luật đã kế thừa Bộ luật Lao động hiện hành, đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định nhận diện về hợp đồng lao động, mở rộng diện bao phủ của Bộ luật, theo đó, bất kỳ thỏa thuận về việc làm nào mà có đủ 3 dấu hiệu về: công việc phải làm; tiền lương; có sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động thì dù được thể hiện bằng tên gọi hoặc hình thức hợp đồng nào, ở khu vực kinh tế chính thức hay phi chính thức cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động.  

Dự thảo Bộ luật gồm 17 Chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Với một Bộ luật đồ sộ, sửa đổi cơ bản, toàn diện, một số vấn đề xin ý kiến, gồm:

Thứ nhất là mở rộng khung thoả thuận về làm thêm giờ tối đa:

Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động.

Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.

Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).  

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định 4 vấn đề: Nguyên tắc tự nguyện: chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ; Trả lương cao hơn: ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ sẽ quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ.

Thứ hai, là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Dự thảo đưa ra 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án trên, quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Bộ trưởng Dung cho biết, Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. (Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi, và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ).

Thứ ba, về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở:

Đây là nội dung mới, được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế và thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế, Dự thảo có 3 Điều quy định 3 nội dung lớn về quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện với Ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức và tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung trên bằng Nghị định.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động của Việt Nam.

Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như: vấn đề nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày; điều chỉnh tiêu chí xác định và điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của doanh nghiệp trong việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng;

Quyền của người lao động trong việc chấm dứt hợp đồng lao động; bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; bảo đảm quyền lợi của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng giữa các bên trong quan hệ lao động; đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp lao động trên cơ sở tăng cường việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài;

Quy định hợp lý về đình công, bảo đảm đình công là phương thức cuối cùng để giải quyết tranh chấp lao động mà người lao động có thể thực hiện một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật khi cần thiết; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lao động thông qua việc tăng cường khả năng hoạt động của Thanh tra lao động...

* Ngay sau khi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật này.

Báo Dân sinh tiếp tục cập nhật thông tin chương trình làm việc của Quốc hội ở bản tin sau.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh