THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:52

Sáng 29/5, Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào sáng 29/5. 

 

Theo chương trình làm việc của Quốc hội vào ngày mai, mở đầu phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tiếp sau đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Ngay sau đấy, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian để thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Và việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Việc sửa đổi Bộ luật lao động nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xin ý kiến tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm giờ tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày thương binh, liệt sĩ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949 và đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Công ước số 98 có 16 Điều, gồm ba nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh