THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Thanh Hóa: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,54%/năm

Sáng ngày 14/12, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%. Theo đó, Thanh Hóa là tỉnh có 27 đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 11 huyện miền núi với 07 huyện; 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; 100 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, 181 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn III.

Thanh Hoa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện triển khai Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, đầu năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát có gần 954.000 hộ. Trong đó, hơn 152.000 hộ DTTS; Hộ nghèo có 128.893 hộ (chiếm 13,51%), hộ cận nghèo có 93.201 hộ (chiếm 9,77%); Số hộ nghèo DTTS là 49.602 hộ, chiếm 38,52% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, 11 huyện miền núi có 48.771 hộ nghèo DTTS trong tổng số 57.684 hộ nghèo, (chiếm 84,55% hộ nghèo của 11 huyện miền núi).

Toàn tỉnh có 100 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30% thuộc 13 huyện (07 huyện 30a, 4 huyện miền núi thấp, 02 huyện đồng bằng); hộ nghèo chiếm 34,12% số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã còn cao, cá biệt có những xã tỷ lệ hộ nghèo rất cao, lên đến 70-90% (05 xã của huyện Mường Lát); 50-70% (24 xã của 11 huyện miền núi); 30-50% (47 xã của 11 huyện miền núi và các xã miền núi của huyện trung du khác).

Mô hình trồng cây cam cho năng suất kinh tế cao, hướng đi mới cho các hộ nghèo ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa

Tình hình phát triển - kinh tế xã hội của các xã có tỷ lệ hộ nghèo nêu trên còn nhiều hạn chế, đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, điều kiện sinh hoạt và mức sống của hộ nghèo miền núi còn rất nhiều khó khăn; thu nhập bình quân hộ nghèo của khu vực 07 huyện nghèo thấp (khoảng 610.000 đồng/người/tháng), bằng khoảng 0,89 lần thu nhập bình quân hộ nghèo toàn tỉnh (khoảng 684.000 đồng/người/tháng). Nguy cơ tái nghèo của các hộ còn cao, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, một số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn.

Từ thực tế trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã phân công các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện giúp đỡ, đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30%, trong đó các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh được phân công giúp đỡ, đỡ đầu 89/100 xã; còn lại là cấp huyện hỗ trợ, đỡ đầu 11/100 xã. Đây là một nét mới, đặc thù trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, các Sở LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Ban Dân tộc, Sở GD&ĐT Đào tạo, Sở Xây dựng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đối thoại chính sách giảm nghèo, sử dụng vốn đầu tư và kinh phí sự nghiệp để thực hiện các dự án thành phần của CTMTQG GNBV, chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với học sinh, sinh viên, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo,… 100% Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện và xã được thành lập và kiện toàn thường xuyên, tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện và xã ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, xây dựng các chỉ tiêu mục tiêu về giảm nghèo và triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn.

Mô hình hỗ trợ trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo ở xã Bình Lương huyện Như Xuân, Thanh Hóa thoát nghèo hiệu quả

Với nhiệm vụ cụ thể, các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực vào cuộc, giúp các xã nghèo trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. Kết quả rà soát năm 2017 cho thấy, tổng số hộ nghèo giảm của 100 xã 6.415 hộ nghèo, tăng 1.915 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,83%. Trong đó, 27 xã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% trở lên, 48 xã giảm tỷ lệ từ 5-10% góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo chung toàn tỉnh giao năm 2017. Tuy nhiên có 07 xã giảm dưới 1% (06 xã của huyện Thường Xuân và 01 xã của huyện Bá Thước), cá biệt có 01 xã tỷ lệ hộ nghèo tăng mạnh từ 25,03% lên 58,03% là xã Bát Mọt huyện Thường Xuân.

Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 07 huyện nghèo với tổng số vốn đầu tư phân bổ là 323.167 triệu đồng (năm 2016 là 166.769 triệu đồng, năm 2017 là 156.398 triệu đồng).

Năm 2017, đã phân bổ 18.563 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và 1.400 triệu đồng, xây dựng 7 mô hình phát triển sản xuất do trạm khuyến nông thực hiện tại 07 huyện nghèo để hỗ trợ mua con giống, phân bón, vật tư, công cụ sản xuất; 2.364 triệu đồng để xây dựng 6 mô hình phát triển sản xuất do Chi cục phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh thực hiện tại các xã như: Tân Bình, Cát Vân huyện Như Xuân, Lương Ngoại huyện Bá Thước, Lâm Phú huyện Lang Chánh....

Các hộ nghèo ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, Thanh Hóa học tập kinh nghiệm trồng cây lúa nước cho năng suất kinh tế cao

Hỗ trợ 2.989 hộ với 14.890 khẩu của 55 bản giáp biên giới của 05 huyện nghèo 30a là 05 tháng gạo tẻ với 1.117 tấn, kinh phí trên 13.000 triệu đồng. Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng gia súc cho các hộ chăn nuôi thuộc 07 huyện nghèo với kinh phí 7.712 triệu đồng. Hỗ trợ 802 triệu cho 07 huyện nghèo thực hiện tư vấn hỗ trợ việc làm cho lao động xuất cảnh sau khi về nước và đạo tạo, tập huấn cán bộ cấp thôn, bản làm công tác xuất khẩu lao động. Hỗ trợ 2.000 triệu đồng cho 06 huyện nghèo 30a để thực hiện 07 mô hình giảm nghèo tại 07 xã (bình quân mỗi xã 300 triệu).

Phân bổ 38.608 triệu đồng giúp các địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 100 xã và 165 thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135, trong đó, hỗ trợ 29.608 triệu đồng cho 100 xã 135 (bình quân gần 300 triệu đồng) và 8.250 triệu đồng cho 165 thôn (mỗi thôn 50 triệu đồng).

Để đạt được kết quả trên, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, trợ giúp xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo.

Trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, năm 2017 Trung ương đã phân bổ 480.990 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo. Trong đó, vốn đầu tư là 307.598 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 173.392 triệu đồng.

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Kết quả đó đã góp phần quan trọng giúp tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2017. Đây còn là tiền đề giúp Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã nghèo trong những năm tiếp theo.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh