Thái Bình: Nỗ lực thực hiện giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 17:15 - 09/11/2017
Chuyển đổi cây trồng góp phần giảm nghèo.
Năm 2016, số hộ nghèo của Thái Bình là 28.747 hộ (bằng 4,61%, giảm 0,66% so với năm 2015), số hộ cận nghèo là 21.660 hộ (bằng 3,47%, tăng 0,06% so với năm 2015). Các sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nhiều địa phương đã cụ thể hóa chủ trương thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch… và triển khai phù hợp với thực tiễn.
Sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp chính quyền quan tâm, đảm bảo cho con, em các hộ nghèo có điều kiện cần thiết, tối thiểu trong học tập. Năm học 2017 - 2018, Thái Bình đã thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 13.395 lượt học sinh với kinh phí hơn 15 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí học tập cho 9.534 lượt học sinh với kinh phí trên 4,6 tỷ đồng. Số trẻ em 3 - 5 tuổi hỗ trợ tiền ăn trưa là 4.363 lượt người, kinh phí trên 2,4 tỷ đồng… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.
Vốn tín dụng chính sách phát huy tác dụng góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa giàu - nghèo, nông thôn - thành thị. Năm 2016 và 9 tháng năm 2017, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, 3.292 hộ nghèo, 2.366 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí hơn 230 tỷ đồng (trong đó, 856 hộ cận nghèo vay tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh với kinh phí hơn 33 tỷ đồng, 885 hộ cận nghèo vay tín dụng học sinh, sinh viên…) hỗ trợ 420 hộ nghèo về nhà ở với kinh phí 10.500 triệu đồng, hỗ trợ trên 15 tỷ đồng tiền điện cho 102.925 lượt hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.
Năm 2016, Thái Bình đã tạo việc làm mới cho khoảng 33.140 người; trong đó: Việc làm mới và tăng thêm tại địa phương khoảng 25.820 người, đi làm việc tại tỉnh ngoài khoảng 4.300 người, xuất khẩu lao động khoảng 3.020 người. Các sơ sở dạy nghề trên toàn tỉnh tuyển sinh và dạy nghề cho trên 5.700 lao động nông thôn, thông qua chương trình đào tạo này đã có hơn 1.400 người sau đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và đã thoát nghèo. Cùng với đó, để giúp hộ mới thoát nghèo cũng như hộ có điều kiện khó khăn được hỗ trợ chăm sóc y tế, từ đó hạn chế phát sinh nghèo, tái nghèo, ngay từ đầu năm 2017, Thái Bình đã cấp 49.231 thẻ BHYT cho người nghèo thuộc hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, 2.141 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo thiếu hụt tiêu chí y tế và thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác; 200 thẻ BHYT cho người nghèo là đối tượng thuộc Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn, kinh phí hỗ trợ hơn 39 tỷ đồng và 51.839 thẻ BHYT cho người cận nghèo, kinh phí hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên...
Gia đình ông Trần Ngọc Nguyễn ở xã Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình làm giàu từ mô hình nuôi gà thả vườn.
Thái Bình hiện có 45.846 hộ, trong đó hộ nghèo là 27.638 và cận nghèo là 18.208 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Năm 2016, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã tổ chức trao tặng 1.000 máy điện thoại 2G cho 1.000 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động này đã giúp một bộ phận hộ nghèo tiếp cận được với các dịch vụ viễn thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Chính sách trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ người nghèo nắm được những kiến thức phổ thông về pháp luật để phát huy vai trò của mình trong đời sống kinh tế xã hội và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, quyền lợi trong xã hội thông qua trợ giúp pháp lý miễn giảm tại cộng đồng và trung tâm trợ giúp pháp lý.
Việc thực hiện chương trình giảm nghèo những năm qua ở Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ toàn ngành. Tiếp tục nghiên cứu và ban hành những chính sách có lợi đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần đảm bảo ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển vững bền của tỉnh.