Phú Yên: Nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo, tạo việc làm
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:43 - 08/12/2017
Ông Võ Văn Binh, Thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đánh giá cao về hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong 15 năm.
Theo ông Võ Văn Binh, mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định xã hội là những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Phú Yên là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung bộ, kinh tế chủ yếu nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo kết quả điều tra từng giai đoạn đều khác nhau, cụ thể: Năm 2001, toàn tỉnh có 26.377 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,32%; năm 2006 có 36.097 hộ nghèo (19,31%); năm 2011 có 45.606 hộ nghèo (19,46%) và 33.813 hộ cận nghèo (14,28%). Năm 2016, theo kết quả điều tra theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 30.803 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,62% và 20.021 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,2%.
Từ năm 2002 đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH triển khai cho vay khá lớn, mở rộng cho vay nhiều chương trình tín dụng có ý nghĩa rất thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên địa như: Cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên... đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: MINH NGUYỆT
Với cơ chế cho vay ngày càng thuận lợi, không cần tài sản thế chấp, vốn vay được đem tới tận cấp xã, nơi gần kề với người nghèo và các đối tượng chính sách; mức cho vay phù hợp với người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ khởi tạo sản xuất, kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu, tăng thu nhập và thoát nghèo. Cũng từ việc tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, với lãi suất ưu đãi nên hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán lúa non hoặc bán đất sản xuất.
Cụ thể, tổng doanh số cho vay 15 năm là: 5.801 tỷ đồng, với trên 584.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, góp phần giúp gần 65.000 lượt hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho hơn 35.000 lao động, hơn 67.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 142.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ trên 3.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 33.000 lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn, trên 100 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; khôi phục, duy trì và phát triển hơn 40 làng nghề truyền thống. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh bình quân trên 2%.
Ông Võ Văn Binh khẳng định tín dụng chính sách là một giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đề ra trong từng giai đoạn, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện phát triển làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của về đời sống vật chất và tinh thần… góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Võ Văn Binh cho rằng, UBND tỉnh hàng năm tiếp tục bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tích cực khai thác các nguồn vốn, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng hàng năm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách, thực hiện tốt công tác bình xét cho vay công khai, đúng đối tượng, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ. Gắn kết chặt chẽ việc cung cấp tín dụng ưu đãi với hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.