THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:24

Thanh Hóa: Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách người có công

 

PV: Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số đông, số lượng NCC nhiều. Đến thời điểm hiện tại, công tác rà soát, thực hiện các chính sách, chế độ với NCC ở Thanh Hóa được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Văn Huệ: Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 700 ngàn thanh niên tham gia lực lượng quân đội, trên 70 ngàn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.

Ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa


Là một tỉnh có số lượng NCC với cách mạng lớn, với gần 1.200 cán bộ Lão thành cách mạng, trên 500 cán bộ Tiền khởi nghĩa, trên 300 người là ân nhân cách mạng, trên 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 6 vạn liệt sỹ, trên 46 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 15 ngàn bệnh binh (trong đó trên 1.400 thương, bệnh binh nặng có tỷ lệ MSLĐ 81% do thương tật).

Có 4.208 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 14.570 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, trên 100 anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động, người hoạt động kháng chiến giải  phóng dân tộc trên 400 ngàn người, tỷ lệ bình quân cứ 10 người dân có 1 người có công.

Để giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công số lượng lớn như trên, tronh những năm qua, ngành Lao động – TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao đó là làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

Lễ tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sỹ và chuyên gia quân sự Việt Nam hi sinh tại Lào ở nghĩa trang huyện Bá Thước (Thanh Hóa)


Qua công tác tuyên truyền thông tin nội bộ của Tỉnh ủy, các phương tiện truyền thông, lấy cơ sở làm trọng tâm, sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, nhất là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đồng thời phát huy vai trò tích cực của các hội viên Hội cựu chiến binh, Hội Cựu TNXP, Hội Nạn nhân chất độc da cam Dioxin làm cho công tác tuyên truyền hiệu quả tích cực.

Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở với trách nhiệm cao, chỉ đạo triển khai các chính sách, quy trình giải quyết chính sách, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Cán bộ ngành Lao động – TB&XH các cấp tích cực nghiên cứu, hướng dẫn, kiểm tra uốn nắn kịp thời phù hợp với hoàn cảnh địa phương, đúng với qui định, nên người có công trong các thời kỳ cách mạng được xác nhận, giải quyết chế độ, hạn chế mức thấp nhất những sai sót, tồn đọng.

PV: Xin ông cho biết trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách với NCC, Thanh Hóa còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào?

Ông Dương Văn Huệ: Các văn bản quản lý trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công của Nhà nước từ trước tới nay nhiều, luôn thay đổi theo từng thời kỳ nên dễ gây chồng chéo.

Đối tượng chính sách có nhiều loại, nhiều mức trợ cấp nên gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện chế độ chính sách. Một số chính sách được ban hành nhưng khi hướng dẫn thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách như hỗ trợ nhà cho đối tượng chính sách theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao tặng huy hiệu vinh dự Nhà nước cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong quá trình xét duyệt các chế độ chính sách của hội đồng chính sách xã phường đều là trách nhiệm tập thể chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nên có nơi có lúc còn xảy ra sai phạm.

Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách Lao động -TB&XH nói chung và lĩnh vực NCC nói riêng ở các cấp mỏng, khả năng kinh nghiệm yếu, không ổn định đã làm hạn chế đến quá trình thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến quá trình triển khai chính sách, việc giải quyết chế độ chưa kịp thời.

PV: Là đơn vị trực tiếp tham mưu cho tỉnh, để cùng với cả nước thực hiện giải quyết dứt điểm chính sách, hồ sơ tồn đọng của NCC mà Bộ LĐ-TB&XH đặt ra, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa cần thực hiện những nhiệm vụ nào trọng tâm?

Ông Dương Văn Huệ: Để giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng NCC trong năm 2017 mà Bộ LĐ-TB&XH đặt ra, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và của toàn nhân dân trong tỉnh đối với NCC – đây cũng là trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã có cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, nhân dân.

Học sinh huyện Bá Thước dâng hương hoa tưởng nhớ tới anh linh các liệt sỹ 


Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các Sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra rà soát những trường hợp chưa được xác nhận người có công ..

Đối với những trường hợp nhân dân và địa phương đề nghị giải quyết chính sách nhưng pháp luật chưa quy định, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh kiến nghị lên Trung ương xem xét giải quyết.

Mặt khác cần rà soát, đánh giá một cách cụ thể, khách quan các chính sách đã ban hành, để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng nhóm đối tượng không còn giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành sửa đổi Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh nhưng không còn giấy tờ theo hướng tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, cấp ủy chính quyền, đoàn thể nơi cư trú của đối tượng, để vừa đảm bảo thuận lợi vừa chính xác.

PV: Xin cảm ơn ông!

ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh