THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Triển khai đồng bộ giải quyết hồ sơ tồn đọng trong lĩnh vực người có công

 

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Việc tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, Bộ LĐ-TB&XH phải nắm cụ thể, chính xác và chủ động được những số liệu về nhu cầu việc làm, số việc làm mới tạo ra… Tương tự, những số liệu về kết quả hoạt động giới thiệu việc làm hay phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp hiện mới chỉ được thống kê từ nguồn BHXH Việt Nam mà gần như bỏ qua những doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài. Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 50% số người có hợp đồng lao động được đóng BHXH nhưng hiện chúng ta mới đạt 24,1%. Đây là khoảng cách rất lớn và ngành LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm xem xét, tiếp cận hệ thống bảo hiểm của chúng ta theo đúng quốc tế gồm phần từ ngân sách nhà nước và cả bảo hiểm thương mại. Hiện còn 2 triệu người có hợp đồng lao động chưa đóng BHXH, vậy trách nhiệm thuộc về ai, tuân thủ pháp luật thế nào, Bộ LĐ-TB&XH phải rà soát.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng phải triển khai quyết liệt hơn công tác BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã được giao là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, việc quản lý đào tạo nghề tập trung về Bộ LĐ-TB&XH được kỳ vọng tạo chuyển biến rất tích cực đối với công tác này nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm không nhỏ. Sắp tới chúng ta sẽ có một hội nghị toàn quốc bàn về đào tạo nghề và chắc chắn đổi mới trong lĩnh vực này phải thực sự có tính cách mạng, triệt để, còn đổi mới từng phần thì sẽ không có hiệu quả. Có thể nói việc đưa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về một mối đã đặt ra một dấu mốc mới, với tinh thần mới và cần phải có sự quyết tâm trong toàn ngành LĐ-TB&XH.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tích ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong năm 2016


Năm 2017 là một năm đặc biệt, cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với tinh thần cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể thay vì kéo dài 5 năm như kế hoạch. Triển khai đồng bộ việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với các trường hợp đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ... Đặc biệt tôi đánh giá cao là việc thuê dịch bưu điện, ngân hàng chi trả chế độ, trợ cấp cho người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội… mà Bộ LĐ-TB&XH triển khai tại một số tỉnh. Đây là việc cần làm, là xu thế không thể đi ngược. Bộ phải mở rộng ra toàn quốc chứ không nên tiếp tục làm thí điểm.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH nhất định phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT qua phương thức thuê dịch vụ nhất là đối với các hoạt động mang tính chi trả, xuyên suốt toàn hệ thống. Nghiêm túc sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn, kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện đúng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy (ngày 23/12/2016); chủ động kết nối, tham gia xây dựng, triển khai các chương trình, hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc cho trẻ em Việt Nam. Bộ LĐ-TB&XH cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các hội, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp. Đồng thời đổi mới mô hình hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng tự chủ với sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng giao quyền, trách nhiệm để những đơn vị này huy động thêm các nguồn lực bên ngoài.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh